Đánh thức tiềm năng
Người dân Đường Lâm không chỉ còn biết cấy cày, mà có đến vài chục gia đình như gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, Hà Hữu Thể… những năm qua đã biết biến nhà cổ cùng không gian di sản của cả ngôi làng, vốn được ví là “bảo tàng sống”, thành điểm đến của nhiều du khách. Những gia đình thuần nông giờ làm cả kẹo lạc, chè lam hay tương bần, bày ra khu chợ nơi cổng đình để bán cho du khách. Khoảng sân mấy chục mét vuông trong khuôn viên đền thờ vua Ngô Quyền có những quầy hàng nhỏ, được xếp trên chiếc bàn gỗ hay chõng tre để bán nước vối, quả trứng gà ta hoặc vài món ăn thiết yếu cho khách du lịch.
Trong những năm gần đây, người dân Đường Lâm đã dần biết khai thác các tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch. Nhiều gia đình ở đây được mời đi tham quan mô hình làm du lịch cộng đồng, homestay ở Bát Tràng, Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai), phố cổ Hội An (Quảng Nam)… học cách làm du lịch. Họ cũng dần hình thành nên các kỹ năng đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan, xây dựng được bộ phận giới thiệu, thuyết minh mang tính chuyên nghiệp. Các hình ảnh, giá trị làng cổ cũng được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông. Nhờ vậy, từ năm 2014 đến 2019, khoảng 70 vạn lượt khách du lịch, trong đó có hơn 3 vạn lượt khách quốc tế, đã đến tham quan, trải nghiệm tại Làng cổ Đường Lâm. Sự phát triển du lịch tại Làng cổ Đường Lâm cũng tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho người dân nơi đây, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời quảng bá rộng rãi hình ảnh của vùng đất chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý giá này.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 70% hộ dân sống bằng dịch vụ du lịch như lãnh đạo thị xã Sơn Tây và Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm mong muốn, du khách đến Đường Lâm cảm thấy thoải mái, được trải nghiệm đúng nghĩa như Hội An, Bát Tràng… thì còn là câu chuyện dài. Đặc biệt, sau khi TP quyết định công nhận nơi đây là Điểm du lịch của Hà Nội.
Chưa hết tư duy của người quê
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng đến Đường Lâm, du khách vẫn còn thấy những con đường lênh láng nước, phân trâu, phân bò từ cổng vào đến chợ Mía; cách làm du lịch kiểu bắt chẹt... Anh Hoàng Khiên – lái xe Công ty Vận tải An Minh bức xúc: Các điểm di tích ở Đường Lâm cách nhau chưa đầy 1 kilomet nhưng bãi xe mọc khắp nơi. Trong khi, công ty đã phải chịu tiền vé tham quan và rất nhiều loại chi phí dịch vụ khác khi dẫn khách vào các điểm du lịch này. Cái dáng vẻ người dân chân xắn quần, xuất hiện bất ngờ, đòi thu phí đỗ xe khiến nhiều lái xe lắc đầu ngao ngán, không muốn giới thiệu tour kế tiếp. PGS.TS Đặng Văn Bài cũng đánh giá, công tác khai thác, phát huy các giá trị của làng cổ vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Tính chuyên nghiệp, đội ngũ lao động quảng bá du lịch còn thiếu và mang tính nghiệp dư; sản phẩm du lịch còn ít; hạ tầng để phục vụ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch còn ít; ý thức của một bộ phận người dân sinh sống trong di tích về công tác phát triển du lịch còn chưa cao; sự quan tâm của Nhà nước trong việc đầu tư các dự án còn ít…
Với mong muốn nâng cao chất lượng Điểm du lịch Đường Lâm, các chuyên gia, nhà quản lý, các đơn vị lữ hành… đã bày tỏ quan điểm về câu chuyện Đường Lâm cần hài hòa giữa bảo tồn và phát triển làng cổ; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Đường Lâm qua các phương tiện thông tin đại chúng; phục dựng lại những “nét làng”, những trang phục, đặc sản đã phôi pha ở Đường Lâm; kỹ năng hướng dẫn, phục vụ khách du lịch…
Trao đổi về vấn đề liên quan, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh cho biết: Việc tìm ra các giải pháp nhằm triển khai, áp dụng cho du lịch làng cổ ở Đường Lâm luôn được các cấp, ngành địa phương quan tâm. UBND thị xã Sơn Tây đang hướng tới tìm ra những phương án phát triển hiệu quả, phát huy tốt nhất các giá trị của ngôi làng có hàng nghìn năm tuổi này.