Du lịch Hà Nội thêm cơ hội cho làng nghề

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa “du lịch thấp điểm” COVID-19 đã trở thành thời điểm thuận lợi để các nghệ nhân và thương nhân làng nghề nhìn nhận lại những mục tiêu trong thiết kế sản phẩm phục vụ du khách, sẵn sàng cho ngày trở lại thêm phần vững chắc.

Làm nón tại Làng Chuông, xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Hương Thảo.
Công nghệ hỗ trợ
Những ngày này, chị Tạ Thu Hương, chủ một cơ sở làm nón lá tại Làng nón Chuông, Thanh Oai, đang “đau đầu” khi lượng sản phẩm xuất sang Trung Quốc bị tắc lại kho nhà hiện đã lên tới hàng nghìn. Đây là bối cảnh chung của nhiều DN, ngành nghề giữa thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhưng càng trở nên khó khăn hơn với các làng nghề truyền thống, vốn lâu nay đã nan giải bài toán đầu ra cho sản phẩm.
Có lẽ vì vậy mà nhiều nghệ nhân và chủ cơ sở sản xuất đặc biệt hào hứng với ứng dụng giới thiệu sản phẩm làng nghề bằng công nghệ 3D, được trình chiếu tại cuộc gặp mặt giữa Sở Du lịch Hà Nội và gần 30 đại diện đến từ các làng nghề truyền thống trên địa bàn TP vào chiều 2/3. Ứng dụng kết nối với cổng thông tin chính thức của Sở Du lịch, được kỳ vọng sẽ là kênh quảng bá sản phẩm tới đa dạng các thị trường cho hơn 300 làng nghề địa phương, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Thủ đô, tăng chi tiêu của du khách.
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, 100% khách du lịch quốc tế tiếp cận thông tin về du lịch Thủ đô thông qua internet, trong khi tỷ lệ này ở khách nội địa gần 70%.
Ứng dụng được phát triển trên nền tảng điện thoại thông minh, cho phép người dùng ở khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận mọi loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ Thủ đô, từ chuồn chuồn tre Thạch Xã, tượng gỗ điêu khắc Dư Dụ, đến bánh tẻ Phú Nhi. Người dùng thâm chí có thể tùy ý di chuyển các mẫu vật vào không gian thực được hiển thị để xem xét độ phù hợp, kích thích nhu cầu mua sắm. Đặc biệt, đi kèm với mỗi sản phẩm là câu chuyện về nghệ nhân và làng nghề tạo thành, qua đó chuyển tải những tinh hoa văn hóa nơi “mảnh đất trăm nghề” Hà Nội đến với đông đảo du khách.
“Với các sản phẩm tâm huyết nhất, mỗi nghệ nhân chính là một đại sứ mang thông điệp giá trị về Thủ đô tới khắp mọi miền, vươn ra thế giới”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải khẳng định.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu trong cuộc gặp với gần 30 nghệ nhân và chủ cơ sở từ các làng trên địa bàn TP. Ảnh: Hương Thảo.
Tất nhiên, chỉ công nghệ thôi là chưa đủ để đảm bảo sức sống bền vững cho sản phẩm của du lịch làng nghề. Theo ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch CLB Lữ hành Unessco Hà Nội - vấn đề cốt lõi vẫn là đảm bảo chất lượng và nét đặc sắc của mỗi mặt hàng, đòi hỏi các nghệ nhân và thương nhân Việt phải thay đổi tư duy, cách làm còn nhiều hạn chế lúc này.
Giá trị chủ động
Vấn đề "tắc biên" của chị Hương, cũng là câu chuyện chung của rất nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nước nhà, phần nào đến từ hệ quả của việc các làng nghề lâu nay trở thành nơi gia công cho thương nhân Trung Quốc. Điều này ko chỉ khiến thị trường khách bị phụ thuộc, mà dấu ấn sáng tạo của nghệ nhân Việt cũng dần bị xóa nhòa trên từng sản phẩm, nhường chỗ cho những họa tiết, kiểu dáng theo khuôn mẫu được đặt hàng.
Nhận định đây là điểm yếu còn tồn tại nơi sản phẩm lưu niệm làng nghề Hà Nội, ông Trần Quốc Hùng lưu ý một nguồn cầu khổng lồ đang vô tình bị bỏ qua ngay tại “sân nhà”, khi Việt Nam đã đón 18 triệu lượt khách du lịch trong năm 2019. Để đáp ứng được kênh xuất khẩu tại chỗ này, các đồ lưu niệm thủ công, tương tự mọi sản phẩm du lịch khác, cần thể hiện được nét độc đáo, riêng biệt mà những du khách đến từ các vùng văn hóa khác đang tìm kiếm.
"Không còn phụ thuộc vào sự điều phối giá của thương nhân Trung Quốc, giá trị kinh tế từ sản phẩm thủ công mỹ nghệ sẽ dần được nâng cao, tạo động lực duy trì và phát triển làng nghề truyền thống cho người dân địa phương", Chủ tịch CLB Lữ hành Unessco Hà Nội Trương Quốc Hùng nói.
Cùng với đó, mẫu mã bao bì sản phẩm cũng là điểm được đa số các đại diện làng nghề truyền thống Hà Nội nhất trí cần nhanh chóng cải thiện. Thay vì mong chờ “hữu xạ tự nhiên hương”, các sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch có chất lượng tốt cũng phải được đầu tư khâu đóng gói phù hợp với thị hiếu tùy từng thị trường định hướng, nhằm gia tăng tính hấp dẫn và cạnh tranh.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch Trần Đức Hải đặc biệt lưu ý về lượng khách thượng lưu từ Giải đua xe công thức 1 (F1) tại Hà Nội - sự kiện được tổ chức thường niên trong 10 năm tới - mở ra thị trường tiềm năng lớn nhưng đi kèm các yêu cầu cao đối với sản phẩm làng nghề. “Nhắm đến đối tượng khách này, sự tinh tế của các sản phẩm lưu niệm sẽ càng phải được chú trọng hơn bao giờ hết”, đại diện thương hiệu mỹ nghệ cao cấp Hanoia House đánh giá.