Du lịch hậu Covid-19: Liên minh để phục hồi và phát triển

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch thiệt hại nặng nề, để kích cầu các DN du lịch đã tổ chức chương trình giảm giá nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Theo các chuyên gia kinh tế, để ngành du lịch sớm phục hồi, các DN du lịch phải đảm bảo chất lượng tour, dịch vụ du lịch tốt và thắt chặt hơn nữa hoạt động liên minh, liên kết.

Khách du lịch tham quan hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Việt Dũng
Liên kết lỏng lẻo

Du lịch Việt Nam trong năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa và 90% lượng khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài; doanh thu giảm gần 60% so với năm 2019. Trong số các DN du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khối lữ hành chịu thiệt hại khá nặng nề, bởi đây là đơn vị thực hiện các dịch vụ du lịch cho du khách. Để kích cầu du lịch các DN lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển... đã đẩy mạnh việc xây dựng mối liên kết nhưng hoạt động này còn lỏng lẻo chưa tạo được kết quả như mong đợi.

Đánh giá việc liên minh, liên kết trong việc khôi phục thị trường du lịch, tại Diễn đàn lữ hành toàn quốc với chủ đề “Giải pháp khôi phục và phát triển”, Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng: Thời gian qua hoạt động kích cầu du lịch thông qua mối liên kết của các DN chủ yếu tập trung ở các DN lữ hành lớn và các hãng hàng không, thiếu vắng sự tham gia của các DN vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, chưa có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý điểm đến, nhà cung cấp dịch vụ tại địa phương du lịch dẫn đến hoạt động kích cầu chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Đồng tình với ý kiến này Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, mặc dù DN du lịch đã xây dựng, triển khai hoạt động kích cầu nhưng những chương trình này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn dẫn đến những hạn chế nhất định trong việc truyền thông và bán sản phẩm tới khách hàng. Bên cạnh đó khi chương trình kích cầu bắt đầu tạo được hiệu ứng thì xuất hiện tình trạng phá cam kết của một số DN cung cấp dịch vụ như: Tăng giá dịch vụ, hình thành thêm liên minh cạnh tranh với nhau thậm chí cạnh tranh trong chính các DN cùng một liên minh… “Điều này đã phá vỡ trật tự kinh doanh, gây hỗn loạn thị trường, quyền lợi của các thành viên tham gia liên minh không được đảm bảo. Điểm hạn chế nữa là sự lệch pha trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu giữa các bên” - ông Thắng nêu rõ.
 Doanh nghiệp du lịch Hà Nội giới thiệu tour du lịch giảm giá tại Liên hoan du lịch Hà Nội 2020. Ảnh: Hoài Nam

Tăng hiệu quả liên minh kích cầu

Nhận định về thị trường du lịch trong năm 2021, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết: Năm 2021, diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp nên thị trường quốc tế khó có thể hồi phục. Chính vì vậy DN du lịch cần xác định thị trường nội địa là chủ đạo, nhưng để khai thác thị trường này đòi hỏi các DN lữ hành cần tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết, liên minh.

Nói về việc cần thiết phải thắt chặt hoạt động liên kết giữa các DN ngành du lịch qua đó giảm giá tour nhưng nâng cao chất lượng dịch vụ, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Hồ Chí Minh Lại Minh Duy cho rằng: Thời gian tới, DN lữ hành cần phát huy cao hơn vai trò dẫn dắt, bởi đây là đơn vị trung gian kết nối với các dịch vụ. Đồng thời DN lữ hành cần tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang nét riêng biệt vùng miền.

Chia sẻ về giải pháp cho hoạt động lữ hành trong thời gian tới, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng nêu rõ: Các DN lữ hành địa phương không nên bó hẹp hoạt động liên kết trong từng tỉnh, thành mà cần mở rộng mối liên kết vùng miền. Đồng thời phát huy cao vai trò của các hướng dẫn viên tại điểm đến, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch mang tính chuyên biệt của địa phương. Đồng tình với ý kiến này, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Lê Thị Hương cho rằng: DN du lịch và cơ quan quản lý địa phương cần phối hợp để cùng xây dựng những chuỗi sản phẩm, dịch vụ mang tính tương trợ; cùng nhau xây dựng các thị trường xúc tiến và kích cầu du lịch mang tính chất toàn quốc. “Hoạt động liên kết kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn. Để kích thích nhu cầu du lịch ngoài việc giảm giá, DN nên đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới. Đặc biệt cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ, vận chuyển… với DN lữ hành” - bà Hương nói.

Ý kiến của DN du lịch cho thấy, để liên minh kích cầu du lịch đạt hiệu quả, thì yếu tố then chốt là sự vào cuộc của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý tại địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ tại điểm đến, phương tiện vận chuyển, cho đến công ty lữ hành... Trong đó, cơ quan quản lý địa phương phải là “nhạc trưởng” dẫn dắt các DN du lịch phát triển an toàn, hiệu quả.
Chương trình kích cầu nên kéo dài hơn có thể là 1 - 2 năm với các giai đoạn: Mở đầu, kích thích khi thấp điểm, duy trì khi thị trường ổn định, làm mới và bổ sung ưu đãi khi bão hòa hay quay về giai đoạn thấp điểm nhằm duy trì tính ổn định cho thị trường và điểm đến. Không chỉ diễn ra tại một địa phương mà cần mở rộng quy mô với sự liên kết của nhiều tỉnh, TP.

Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Nguyễn Công Hoan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần