Du lịch liên kết vượt sóng lớn

Lệ Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian dài gần như tê liệt vì dịch Covid-19, các điểm đến, DN du lịch đang nỗ lực “kết bè” với hàng loạt kế hoạch, sản phẩm kích cầu, giảm giá sâu để vượt qua sóng lớn. Các chuyên gia cho rằng, thị trường nội địa sẽ là cứu cánh cho ngành kinh tế xanh trong tương lai gần.

 Một đoàn khách nước ngoài tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ảnh chụp ngày 15/2). Ảnh: Quang Thái.
Nhiều sản phẩm giảm giá sâu
Ngành du lịch vừa trải qua kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 ảm đạm nhất trong khoảng 10 năm gần đây. Nhưng việc các khu, điểm du lịch, như Sa Pa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đà Lạt, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế... rục rịch mở cửa đón khách được xem là tín hiệu lạc quan để hâm nóng thị trường. Nhiều địa phương, DN đã ra mắt sản phẩm mới, chương trình, sản phẩm du lịch giá sâu chưa từng có để kích cầu.
Việc thực hiện các chương trình kích cầu lúc này là hết sức cần thiết để từng bước làm ấm trở lại thị trường du lịch Sa Pa nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung, cũng như giải quyết công ăn việc làm cho nhân lực ngành du lịch, tái khởi động và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, ổn định xã hội.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa Tô Bá Hiếu
Sa Pa (Lào Cai) là một trong những địa phương đầu tiên tung ra chương trình kích cầu du lịch quy mô lớn tại phía Bắc khi các khách sạn, homestay, nhà xe du lịch giảm giá dịch vụ từ 30 - 50%, khu du lịch Sun World Fansipan Legend giảm giá vé cáp treo tới 60% cho du khách 6 tỉnh Tây Bắc từ ngày 28/4 - 28/6/2020. Trong khi đó, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng các hãng lữ hành ra mắt chùm tour du lịch “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”. Tại Huế, miễn phí 100% vé tham quan Đại Nội và các điểm di tích thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý từ ngày 30/4 - 7/5.
Cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương, các DN du lịch cũng đang ra sức “kết bè” để vượt qua cơn khủng hoảng. Theo đại diện Tập đoàn Sun Group, tại Đà Nẵng, từ ngày 30/4, khu du lịch Sun World Ba Na Hills đã chính thức đón khách trở lại sau thời gian giãn cách xã hội. Áp dụng chính sách kích cầu, giảm giá vé tới 60% cho người dân 19 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Dự báo, kể từ sau dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, thị trường du lịch nội địa sẽ sôi động hơn với sự vào cuộc đồng loạt của các DN du lịch và các chương trình kích cầu mạnh mẽ trên cả nước. Đại diện Tập đoàn Sun Group cho biết sẽ phối hợp với Vietnam Airlines tung ra những gói ưu đãi vô cùng hấp dẫn kéo dài từ nay đến cuối năm, đặc biệt dành cho đối tượng khách là gia đình.
Để kích cầu du lịch, DN lữ hành Saigontourist cũng vừa tung ra các gói du lịch tiết kiệm dành cho nhóm khách nhỏ. Đơn cử, gói du lịch dành cho 2 khách, từ TP Hồ Chí Minh đi Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) trong thời gian 2 ngày giá hơn 3,6 triệu đồng/khách, trường hợp 4 khách giá hơn 2,6 triệu đồng/khách; với tour TP Hồ Chí Minh - Nha Trang 4 ngày, nghỉ tại khách sạn Le’s Cham hoặc Yasaka, giá từ 3 - 5,33 triệu đồng/khách…
Thị trường nội địa là “cứu cánh”
Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch (Tổng cục Du lịch) Lê Tuấn Anh nhận định, sau khi đỉnh dịch Covid-19 đi qua, thị trường du lịch nội địa sẽ từng bước hồi phục trước. Những khách hàng tiềm năng nhất là nhóm khách công vụ và khách thăm họ hàng, bạn bè do nhu cầu kết nối lại công việc và các mối quan hệ mật thiết. Bên cạnh đó, sau giai đoạn cách ly, thị trường du lịch tiếp cận môi trường số sẽ có nhiều yếu tố mới theo hướng năng động, tích cực hơn.
CEO Outbox Consulting Phước Đặng cho rằng, du khách sẽ có xu hướng lựa chọn các điểm đến có các sản phẩm trọn gói với giá ưu đãi để vừa giải tỏa tâm lý sau dịch nhưng vẫn bảo đảm việc tiết kiệm chi phí. Do đó, các DN cũng cần có giải pháp phục hồi theo mức độ ưu tiên ứng với khả năng khống chế dịch bệnh của mỗi thị trường mục tiêu, từng bước đưa ngành du lịch quay trở lại hoạt động. Trong đó, thị trường nội địa sẽ ưu tiên trước, tiếp đến là thị trường các quốc gia Đông Nam Á sau khi quy định về phòng chống dịch được nới lỏng.
Nhận định thị trường du lịch sẽ chỉ nhích từ từ, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và thế giới, ông Phước Đặng cho rằng, trước mắt chúng ta cần thực hiện ngay các nhóm giải pháp mang tính thực thi cao, không đòi hỏi đầu tư lớn. Các chuyên gia cho rằng, ngay từ bây giờ, 4 bên: Điểm đến, lữ hành, hàng không, cơ sở lưu trú phải “bắt tay” thật chặt để tạo ra các tour, sản phẩm kích cầu giá tốt mới có thể giúp du lịch khởi sắc trở lại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần