Du lịch sinh thái ở Phúc Thọ: Tiềm năng cần đánh thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, những năm gần đây, huyện Phúc Thọ đã bắt tay vào đầu tư khai thác, tuy nhiên hiệu quả đem lại chưa cao, nhiều tiềm năng còn bỏ ngỏ.

 Vườn bưởi ở Vân Hà, Phúc Thọ
Vùng đất giàu tiềm năng

Đến Phúc Thọ vào những ngày đầu Xuân, trải dài trước mắt chúng tôi là những cánh đồng rau màu tươi tốt. Vùng quê này trước kia vốn được coi là vùng phân lũ, chậm lũ của TP, nhưng nhờ sự mạnh dạn, năng động trong chuyển đổi cây trồng, cộng với sự chịu thương, chịu khó của người dân đã làm thay da đổi thịt mảnh đất nơi đây. Hiện nay, Phúc Thọ đã được TP phê duyệt quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô. Huyện cũng đã hình thành những vùng chuyên canh rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung, mang lại thu nhập cao cho người dân. Nhiều thương hiệu nông sản của Phúc Thọ đã ghi được dấu ấn trên thị trường như rau muống tiến vua, bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam…
Ẩm thực cũng là một nét đặc trưng của Phúc Thọ với những món ăn đậm chất dân dã, đầy hương vị vùng quê như rau muống, cà dầm tương, tôm, cá sông Đáy nướng, thịt nướng lõi ngô... Đây là điều kiện thuận lợi để Phúc Thọ phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn.

Đặc biệt, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch của địa phương đã bắt đầu được hình thành; các tuyến xe buýt đã về tới nhiều xã. Đối với các vùng nông nghiệp tập trung có thể phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng thì giao thông nội đồng đều đã được bê tông hóa. Du khách có thể thoải mái tản bộ ở đồng ruộng, tham quan cách thức sản xuất an toàn và tiếp xúc với người dân địa phương thân thiện, mến khách.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết: Xác định du lịch sinh thái là hướng đi phù hợp, thời gian qua, huyện đã có định hướng phát triển cụ thể, như: Đăng ký thương hiệu cho những sản phẩm nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi thu hút DN lữ hành. Đặc biệt, huyện phát động cuộc vận động 3 sạch: “Nước sạch, môi trường sạch, nông nghiệp sạch”. Sau hơn 2 năm, cuộc vận động đã góp phần nâng cao nhận thức và quyết tâm của người dân về một nền nông nghiệp an toàn, bảo vệ môi trường sống xanh, sạch. Ngoài ra, huyện còn khuyến khích người dân xây dựng nhà kiểu truyền thống với mật độ thấp để bảo vệ và gìn giữ nét văn hóa làng quê Bắc Bộ.

Cần phát triển bài bản

Vùng quê yên bình, trù phú Phúc Thọ đang là điểm đến hấp dẫn của những người ưa khám phá. Thời gian gần đây, đã có không ít bạn trẻ, trường học tìm về vùng quê này để vừa thưởng ngoạn mùa trái ngọt, vừa được thỏa mãn nhu cầu vui chơi, hòa mình với thiên nhiên. Hiện tại, trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã bắt đầu có một số mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái như: Tour trải nghiệm miệt vườn Phúc Thọ Green tour - Healthy life (Du lịch xanh - Cuộc sống mạnh khỏe); Nông trại giáo dục Share Farm ở Ngọc Tảo… Tham gia tour du lịch này, khách hàng sẽ được tham quan những vườn hoa quả bạt ngàn mùa nào thức nấy, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa, tham gia làm vườn, cấy lúa, hái rau…

Tuy nhiên, lượng khách tới Phúc Thọ hiện tại còn chưa nhiều. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch còn tự phát, rời rạc, chưa tạo được tour chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động du lịch; thời gian lưu trú không nhiều. Cùng với đó, các sản phẩm quà lưu niệm và tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách còn đơn điệu, ẩm thực chưa được đầu tư đúng mức, đặc biệt người dân vẫn chưa có tư duy làm du lịch.

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú thừa nhận, huyện có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nhưng do chưa có kinh nghiệm phát triển nên nhiều tiềm năng chưa được đánh thức. "Địa phương rất cần sự hỗ trợ của nhiều cấp, ngành cùng sự đầu tư, tư vấn của các công ty du lịch lớn để du lịch sinh thái Phúc Thọ phát triển bài bản, sớm trở thành điểm du lịch sinh thái chất lượng cao, hấp dẫn" - ông Hoàng Mạnh Phú nói.

Phương Nga