Du lịch tâm linh hút khách

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cũng như mọi năm, du lịch Tết và đầu năm thường gắn với việc hành hương, đi chùa để cầu bình an, tài lộc và hòa mình vào các lễ hội dân gian nên đầu Xuân luôn là thời điểm “vàng” của du lịch tâm linh.

Tăng mạnh sau Tết

Do Tết Đinh Dậu 2017 được nghỉ 7 ngày, lại sát với Tết Dương lịch, nên doanh số tại các hãng lữ hành chỉ tăng nhẹ, phổ biến ở mức 10 – 15%. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại các công ty du lịch: Saigontourist - chi nhánh Hà Nội, Vietran Tour, Hanoitourist, Hanoi Restour, APT Travel, TransViet, GoldenTour… lượng khách đăng ký tour du lịch tâm linh, lễ hội lại tăng mạnh với khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở thị trường nước ngoài, khách hàng đa phần lựa chọn các tuyến có thời gian dao động từ 3 - 5 ngày trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Myanmar, Campuchia… vì giá “mềm” và không cần xin visa. Còn ở trong nước, những ngày Tết Đinh Dậu vừa qua, Yên Tử (Quảng Ninh) thu hút hơn 1 triệu lượt khách, chùa Hương (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình) đón hàng trăm ngàn lượt du khách…

Lễ hội chùa Hương đã đón hàng trăm ngàn lượt du khách thập phương. Ảnh: Phạm Hùng

Bà Phạm Thanh Tâm - Trưởng bộ phận phát triển sản phẩm nội địa Công ty Du lịch Vietrantour cho biết: Trước đây, các công ty lữ hành thường tập trung khai thác sản phẩm hành hương thuần túy đến những điểm tâm linh như các chùa, tòa thánh, đền, đài, lăng, tẩm, phủ, khu tưởng niệm để người dân dâng lễ, chiêm bái, cầu nguyện. Điển hình cho dòng này là các tour ngắn ngày đi Lạng Sơn viếng đền Mẫu, đền Bảo Hà, tour Yên Tử - Chùa Ba Vàng, Đền Hùng; chùa Hương... Tuy nhiên, gần đây, nhiều DN bắt đầu khai thác tour kết hợp điểm du lịch tâm linh với các danh lam thắng cảnh; tìm hiểu văn hóa gắn với lịch sử tôn giáo và lối sống bản địa, những giá trị di sản văn hóa…

“Ưu điểm của dòng tour tới các điểm tâm linh gắn với di tích thắng cảnh nhấn mạnh vào tìm hiểu văn hóa, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc… đáp ứng tốt nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Vì thế, từ đầu năm đến nay, Vietrantour đã tổ chức nhiều đoàn với số lượng khách lên đến trên 300 người tham gia các hành trình: Tràng An - Chùa Bái Đính - Thung Nham - Hoa Lư; Yên Tử - Hạ Long - Chùa Ba Vàng - Cửa Ông... Đặc biệt, sản phẩm mới như tour Thái Nguyên - Đền Đuổm - Chùa Hang kết hợp nghỉ tại khu du lịch sinh thái Thái Hải; Tuyên Quang - đi lễ kết hợp tham quan Khu du lịch sinh thái Na Hang hay tour du lịch Sa Pa đi cáp treo lên Phan - Xi - Păng kết hợp lễ đền Thánh Mẫu, đền Cô Tân An… thu hút nhiều đoàn khách đăng ký” - bà Phạm Thanh Tâm chia sẻ.

Giá mềm

Các tour hành hương trong nước thường kéo dài từ 1 - 2 ngày. Vì vậy, chỉ cần 500 ngàn đến 2 triệu đồng, du khách có thể lựa chọn được điểm đến và thời gian khởi hành tour, kết hợp với tham quan thắng cảnh. Đặc biệt, nhiều hãng lữ hành thực hiện chương trình giảm giá từ 10 - 20% đối với khách đi tour vào các ngày đầu và giữa tuần nhằm giảm áp lực cho cuối tuần. Với sự chuyên nghiệp của các hãng lữ hành, người dân đặt tour hành hương ngày càng nhiều, nhất là năm Đinh Dậu 2017. Đại diện các công ty du lịch dự đoán, từ nay đến hết tháng 3 âm lịch, tour hành hương, lễ hội trong nước sẽ chiếm khoảng 50 - 70% tổng số khách đăng ký.

Việt Nam định hướng phát triển du lịch tâm linh theo hướng khai thác những giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa gắn với quy hoạch liên kết vùng. Phát triển du lịch tâm linh trở thành động lực thu hút khách, thúc đẩy hoạt động dịch vụ du lịch khác, tạo sự đa dạng cho du lịch Việt Nam, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Tuy nhiên, tại một số điểm đến có đông du khách, nhiều dịch vụ ăn theo như xem bói, bốc quẻ, bán bùa may, nước thánh… trà trộn thật giả lẫn lộn. Du khách đi chùa dịp Tết nên cẩn thận, giữ gìn tư trang cá nhân, chọn điểm ăn uống phù hợp và không xả rác nơi linh thiêng. Nếu chưa hiểu rõ điểm đến, các “thượng đế” nên tìm tới những công ty uy tín để đi theo tour nhằm tránh các hiện tượng chèo kéo, chộp giật tại lễ hội.