Du lịch thị xã Sơn Tây: Nâng tầm thương hiệu

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 10 năm kể từ ngày hợp nhất về với Thủ đô, thị xã Sơn Tây đã tranh thủ sự hỗ trợ của TP, nỗ lực phát huy lợi thế là vùng đất cổ, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá để thúc đẩy du lịch, dần đưa mảnh đất xứ Đoài trở thành điểm đến lý tưởng của đông đảo du khách thập phương.

 Làng cổ Đường Lâm là điểm đến ưa thích của nhiều du khách khi ghé thăm thị xã Sơn Tây. Ảnh: Lâm Nguyễn
Khai thác tiềm năng di sản
Nhắc tới thị xã Sơn Tây, nhiều người sẽ nhớ tới Làng cổ Đường Lâm. Đằng sau cổng làng, dưới bóng cây đa khổng lồ đã hơn 300 năm tuổi là một không gian yên bình, cùng nếp sống hiền hòa, với điểm nhấn là gần 1.000 ngôi nhà cổ được xây dựng với lối kiến trúc xưa trong một không gian sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc của làng quê Bắc Bộ.

Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Phạm Hùng Sơn cho biết, những năm qua, nơi đây là điểm dừng chân không thể bỏ qua trên hành trình tìm về di sản văn hóa xứ Đoài của du khách thập phương. Trung bình mỗi năm, có hàng chục vạn lượt người, bao gồm cả khách quốc tế, đặt chân đến làng cổ...

Nhưng sức hút du lịch của Sơn Tây không chỉ nằm ở Làng cổ Đường Lâm. Theo thống kê, thị xã có tới 244 di tích, trong đó có 15 di tích cấp Quốc gia và 59 di tích cấp TP. Sơn Tây còn đang bảo tồn 78 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là lễ hội Đền Và và 8 di sản được xếp vào nhóm “cần được ưu tiên bảo vệ”. Cùng với các di tích lịch sử, văn hóa, Sơn Tây hiện có hàng chục làng nghề truyền thống. Các làng nghề không chỉ mang lại giá trị kinh tế từ sản phẩm truyền thống, tạo việc làm giúp nâng cao thu nhập cho gần 1.000 lao động, mà còn thu hút lượng lớn du khách tới tham quan, góp phần thúc đẩy dịch vụ - thương mại.
 Đình Mông Phụ thuộc làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. 

Hướng tới trung tâm du lịch văn hóa

Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, những năm qua, công tác quản lý được thị xã Sơn Tây đặc biệt quan tâm. Theo đó, thị xã đã ban hành Nghị quyết số 08 về “Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo” nhằm cụ thể hóa việc triển khai.

Trưởng phòng VHTT thị xã Sơn Tây Phan Thị Thu Hương cho biết, địa phương lấy công tác tuyên truyền là giải pháp trọng tâm, trên cơ sở tranh thủ sự hỗ trợ của TP. Thị xã đã thành lập website Làng cổ Đường Lâm và xây dựng các pano tấm lớn giới thiệu về các điểm đến trên địa bàn. Chủ động phối hợp với Hiệp hội Du lịch Hà Nội tham gia chương trình xúc tiến thương mại - du lịch quốc tế hàng năm, hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ do TP tổ chức... Theo bà Hương, trong 10 năm qua, TP cũng thường xuyên quan tâm, bố trí kinh phí phục vụ tu bổ, nâng cấp các di tích, là cầu nối liên kết với các tổ chức hội đưa du khách đến với Sơn Tây, đồng thời, tập huấn cách thức làm du lịch cho Nhân dân thị xã...

Trên cơ sở Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sơn Tây chọn hướng phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa giàu bản sắc. Mục tiêu là phấn đấu xây dựng thị xã trở thành một trong những “trung tâm du lịch văn hóa” của Thủ đô. Để làm được điều này, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh cho biết, địa phương đang tập trung phát triển các loại hình, tour du lịch phù hợp với tiềm năng, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, DN tham gia vào chuỗi giá trị ngành du lịch tại địa phương. Đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại theo hướng phát triển xanh và bền vững với quy mô và tiêu chuẩn cao, đáp ứng nhu cầu của du khách...

Thị xã Sơn Tây cần tiếp tục phát huy lợi thế về di sản để thúc đẩy ngành du lịch. Trong thời gian tới, cần quan tâm, phát triển Làng cổ Đường Lâm trong chuỗi du lịch trọng điểm phía Tây của Thủ đô. Tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần