Du lịch Thủ đô khởi sắc

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, lượng khách quốc tế đến Thủ đô tăng gấp 4 lần, nâng thị phần từ 30% lên 40% so với cả nước. Du lịch đã đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của TP.

 Du khách tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Nhiều sản phẩm mới
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, ngành kinh tế xanh được chắp thêm cánh bằng hàng loạt điểm đến thuộc xứ Đoài như Chùa Hương, cụm danh thắng Ba Vì – suối Hai, làng cổ Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương… Đây là nền tảng để phát triển toàn diện các loại hình du lịch (du lịch văn hóa, MICE, sinh thái, nghỉ dưỡng, nông nghiệp và trang trại…).

Để khai thác hiệu quả kho tài nguyên đó, công tác quản lý về du lịch ngày càng được chú trọng, nhất là việc tái thành lập Sở Du lịch cuối năm 2015. Sở đã tham mưu cho lãnh đạo TP ban hành các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch. Cùng với đó, cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng phục vụ, sản phẩm du lịch luôn được ưu tiên đầu tư. TP đã tổ chức hiệu quả không gian đi bộ quanh Hồ Gươm và phụ cận dịp cuối tuần, lùi “giờ giới nghiêm” đến 2 giờ sáng hôm sau, tạo điểm nhấn ấn tượng cho du lịch Thủ đô. Dự án Công viên Kim Quy đẳng cấp quốc tế, Trung tâm Triển lãm và Hội chợ quốc tế lớn nhất châu Á cũng đã được động thổ, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm lý thú.

Quảng bá, xúc tiến hiệu quả

Công tác quảng bá, xúc tiến trong nước được đẩy mạnh qua việc Hà Nội ký kết biên bản hợp tác với gần 40 tỉnh, TP. Nhiều sự kiện quan trọng như Chương trình Năm Du lịch quốc gia 2010 tại Hà Nội, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống, Liên hoan ẩm thực Hà Thành, Ký ức Hà Nội, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam… được tổ chức thành công. Hà Nội cũng tích cực chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị xúc tiến du lịch tại thị trường Nga và tham gia nhiều hội chợ du lịch uy tín trên thế giới.

Đặc biệt, UBND TP Hà Nội đã chi 2 triệu USD để quảng bá hình ảnh Hà Nội và Việt Nam trên kênh CNN trong hai năm 2017 – 2018. Đây được xem là “cú hích” giúp Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung thu hút khách quốc tế. Chương trình này được Diễn đàn Tổ chức Xúc tiến du lịch các TP châu Á - Thái Bình Dương (TPO) lần thứ 8 vinh danh là Chiến dịch marketing tốt nhất TPO cho thấy tính hiệu quả của sự đầu tư này.
Một điểm cộng nữa là ngành du lịch đã chú trọng xây dựng đề án hệ thống du lịch thông minh, bước đầu tạo dựng được “trợ lý du lịch ảo” đắc lực cho cả du khách, DN và nhà quản lý.

Ngoài ra, Hà Nội còn thu hút được 1.046 DN lữ hành với 850 DN lữ hành quốc tế (chiếm 55% cả nước). Từ 776 cơ sở lưu trú với 16.851 buồng, phòng năm 2008, sau 10 năm thành 3.546 cơ sở (gấp 5 lần) với 60.458 buồng phòng, 68 khách sạn từ 3 - 5 sao.
 Ảnh: Công Hùng
Tăng trưởng ổn định

Nỗ lực của chính quyền TP và ngành du lịch 10 năm qua đã giúp lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng 4 lần (từ 1,3 triệu lượt năm 2008 lên 4,95 triệu lượt năm 2017). Thị phần khách quốc tế cũng tăng từ 30% năm 2008 lên gần 40% sau 10 năm. Hiện Hà Nội đón khách từ gần 190 thị trường, trong đó nhiều thị trường có mức chi trả cao như: Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Âu, Đông Bắc á… Bình quân khách nội địa tăng trưởng 12%/năm; tổng thu từ du khách đạt 16%/năm; chiếm 22,18% thị phần của cả nước… Tất cả cho thấy, du lịch đã phát huy vai trò của ngành kinh tế tổng hợp, tác động tích cực tới các lĩnh vực khác.

Tuy vậy, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải vẫn nhận định: Tốc độ tăng trưởng du lịch nhiều khởi sắc nhưng chưa cao, đóng góp vào GDP của TP chưa tương xứng. Sản phẩm chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, thiếu các khu du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn; thiếu dịch vụ hỗ trợ theo chuỗi… nên khó cho việc kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, người đứng đầu ngành du lịch Thủ đô cho biết: Sở Du lịch sẽ đẩy mạnh liên kết với các cấp, ngành, tổ chức, DN, nghiên cứu kỹ nhu cầu của từng thị trường khách. Từ đó, bám sát nội dung quy hoạch để xây dựng các tour, tuyến mới. Đồng thời, duy trì quảng bá du lịch trên kênh CNN; tham gia các hội chợ, hội nghị, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế; đón các đoàn chuyên gia, DN của các tỉnh, TP trong và ngoài nước đến khảo sát và liên kết phát triển du lịch... Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai xây dựng đề án du lịch thông minh.

10 năm qua, Hà Nội đưa du lịch đi đúng hướng, bền vững, hiệu quả. Mặc dù công tác xúc tiến, quảng bá, mời gọi đầu tư đều đang ở giai đoạn đầu, nhưng đã cho thấy hiệu quả rõ nét, hứa hẹn là “bệ phóng” cho các DN phát huy, khai thác các sản phẩm du lịch độc đáo. Từ đó, thu hút và phục vụ tốt nhu cầu của du khách trong nước cũng như quốc tế, giúp ngành kinh tế xanh phát triển bền vững.

Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần