Du lịch Thừa Thiên Huế tìm hướng đi sau dịch Covid-19

Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đương đầu nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những động thái kịp thời nhằm kích cầu, phát triển du lịch.

Khách nội địa 4 tháng đầu năm giảm đến 93,2%   
Ông Trần Hữu Thùy Giang - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 667 cơ sở lưu trú, với tổng số 11.508 phòng, 18.801 giường; 78 công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý lữ hành; 8 điểm du lịch; 38 doanh nghiệp vận chuyển du lịch và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

Du khách trở lại tham quan Đại Nội- Cố đô Huế sau dịch Covid-19.

Số liệu khảo sát từ 472 cơ sở lưu trú cho thấy có 89% tổng số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid là 6.228 người, cụ thể có 2.469 lao động bị giảm lương, giảm công làm; 669 lao động nghỉ không lương có hỗ trợ; cho thôi việc 936 người (chiếm 16%); nghỉ không lương không hỗ trợ là 1.298 người (12,6%). Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người lao động trong các cơ sở lưu trú.
Tổng lượt khách quốc tế 4 tháng đầu năm 2020 mà các đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn trực tiếp khai thác giảm 56,4%. Lượng khách nội địa 4 tháng đầu 2020 giảm đến 93,2% so với cùng kỳ.
Trước tình thế khó khăn của ngành du lịch, đặc biệt là với các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện các gói kích cầu nhằm vực dậy ngành du lịch, trong đó đặc biệt là miễn phí 100% vé vào di tích từ ngày 30/4 - 7/5, đã thu hút trên 22 nghìn lượt khách đến Huế.
Những biện pháp mang tính quyết liệt đã bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định. Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, tình hình hoạt động kinh doanh du lịch tháng 5, lượng khách đến Huế ước đạt 65,062 lượt, tăng gần 60.000 lượt so với cùng kỳ tháng 4 (6.675 lượt) trong đó lượng khách quốc tế đạt 4.573 lượt.
Hướng đi hậu dịch Covid-19
Đứng trước những khó khăn, thách thức dự báo sẽ còn kéo dài, đặt ra cho tỉnh Thừa Thiên Huế phải có một chính sách dài hạn nhằm kích cầu ngành du lịch. Nhận thức được vấn đề này, UBND tỉnh triển khai nhiều gói kích cầu của chính quyền trong năm 2020 tại các điểm di tích do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý với các hình thức: Mở cửa miễn phí vào tham quan Đại Nội và các điểm di tích từ ngày 30/4/2020 - 7/5/2020 (đã triển khai); giảm 50% phí tham quan các điểm di tích từ ngày 8/5/2020 - 31/7/2020.
Tùy thuộc vào tình hình khôi phục của thị trường khách du lịch, các tháng còn lại năm 2020 để tiếp tục thực hiện kích cầu bằng việc giảm phí tham quan các điểm di tích.
Song song với đó là tăng các chương trình biểu diễn miễn phí ở Đại Nội, ít nhất là 1 chương trình biểu diễn nghệ thuật 1 ngày tại một khung giờ cố định trong thời gian từ ngày 15/7/2020 đến hết năm 2020.
Hiệp hội Du lịch 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam ký kết biên bản hợp tác đồng hành hưởng ứng chương trình liên kết hành động.
Từ đó, nghiên cứu công bố chính sách giảm trừ phí tham quan tại các điểm di tích lịch sử văn hóa Huế nhằm kích cầu, khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra, tập trung phát triển, tổ chức có chất lượng các lễ hội, sự kiện hấp dẫn, có điểm nhấn để thu hút du khách như: Festival Huế 2020, Lễ hội Huế - Kinh đô ẩm thực, lễ hội Huế - Kinh đô áo dài, ngày Hội Lân quốc tế Huế…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Diễn đàn Du lịch Huế vào ngày 31/5/2020 với chủ đề “Kết nối lữ hành: Huế - điểm đến an toàn và thân thiện” nhằm thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch nội địa, hỗ trợ ngành du lịch địa phương.
Diễn đàn hướng đến đánh giá khả năng hồi phục du lịch Thừa Thiên-Huế, xác định các đối tượng thị trường khách trở lại địa phương trong bối cảnh hiện nay và sau dịch; công bố chương trình kích cầu du lịch của tỉnh năm 2020; kết nối với TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam triển khai chương trình kích cầu liên kết 3 địa phương, đồng thời chú trọng quảng bá du lịch, kết nối các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú lớn trong nước triển khai các chương trình kích cầu.
Theo khảo sát của phóng viên, thời điểm hiện tại, lượng du khách đến với điểm tham quan tại Đại Nội Huế đạt khoảng 1.200 lượt/ngày, đây là tín hiệu khả quan đối với ngành Du lịch Huế, khẳng định Huế là điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với du khách.
Có thể thấy, các gói kích cầu lúc này là hết sức cần thiết để từng bước làm ấm trở lại thị trường du lịch, giải quyết công ăn việc làm cho nhân lực ngành du lịch Thừa Thiên Huế. Với sự chủ động của doanh nghiệp du lịch, những chính sách hỗ trợ thiết thực của chính quyền hứa hẹn sẽ thổi một “làn gió mới” đến ngành du lịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần