Dự Luật phòng chống tác hại của rượu, bia: Tác động lớn cần đánh giá nhiều chiều

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được xây dựng theo hướng quy định các biện pháp giảm cung, cầu và tác hại. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, phải đánh giá kỹ tác động của Dự Luật tới tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Phòng, chống tác hại hay lạm dụng?
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Trên thực tế, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm. Do đó, rất cần có một đạo luật để thể chế các chính sách nhằm giảm hậu quả do sử dụng rượu bia gây ra.

Việc phải ban hành Dự Luật, nhằm hạn chế tác hại của sản phẩm này khi con người tiếp cận và sử dụng, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh nhận được sự đồng tình. Tuy nhiên, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các quy định trong Dự Luật cần nhìn nhận một cách công bằng hơn đối với sản phẩm rượu, bia này. Bởi lẽ sử dụng rượu bia ở liều lượng chừng mực trên một số cá nhân có thể mang lại tác động tích cực. Do đó, nên chăng Dự Luật không tiếp cận theo hướng tác hại mà chỉ quy định chống lạm dụng rượu bia.
Uống nhiều rượu, bia gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe chính mình. Ảnh: Mạnh Dũng
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Dự Luật không nên điều chỉnh biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu bia. Bởi mức tiêu thụ rượu bia có liên quan mật thiết đến sản xuất, chi phí tiêu dùng. Rượu bia không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Do vậy, nên xem xét đổi tên gọi dự án Luật thành Dự án Luật chống lạm dụng rượu bia. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu rõ, chúng ta có Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, tên gọi của nó phù hợp ở chỗ thuốc lá đã hút là có hại, thậm chí người không hút nhưng trong môi trường có khói thuốc cũng có hại; tuy nhiên rượu - bia vẫn có tác dụng tích cực, phải lạm dụng quá mức mới có hại. Vậy tại sao chúng ta không đặt vấn đề "chống lạm dụng" mà đặt vấn đề "phòng, chống tác hại"?

Giải trình trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, rượu hay bia đều là thức uống có cồn; do tác động của cồn gây tác hại thì không có ngưỡng trong sinh học và trong khoa học, nó cũng nhạy cảm khác nhau ở mỗi cơ thể. Cho nên chúng ta không có ngưỡng nào để quy định tác hại. Đặc biệt, có ý nghĩa dự phòng để nâng cao sức khỏe, bảo vệ sức khỏe con người. Do đó việc cơ quan soạn thảo lựa chọn tên này là đúng và phù hợp.

Nghiên cứu lại một số quy định kiểm soát

Kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia cũng là quy định còn nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến việc đóng góp cho ngân sách nhà nước từ hoạt động quảng cáo, đến quyền được tiếp cận thông tin về rượu, bia, cũng như hạn chế nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao vốn đang được các DN rượu, bia tài trợ và mâu thuẫn với các Luật Quảng cáo, Luật Thương mại…

Các ý kiến cũng dẫn ra con số, ước tính ngành rượu, bia nộp cho ngân sách nhà nước khoảng 50.000 tỷ đồng mỗi năm (bao gồm cả nước giải khát thông thường) và tạo việc làm cho khoảng 220.000 lao động trực tiếp và gián tiếp, có sự kết nối với các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ khác... Tuy nhiên, trước tác động của rượu bia với sức khỏe, việc quy định kiểm soát là cần thiết, nhằm giảm những tác động, ảnh hưởng của quảng cáo đến tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Đây là quy định được coi là “dự phòng từ xa”. Cho rằng quan điểm này là đúng, nhưng một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, dự thảo luật cần có quy định rõ ràng, xem xét giới hạn khung giờ quảng cáo rượu, bia và linh hoạt mức độ kiểm soát quảng cáo khác nhau với những nồng độ cồn khác nhau.