Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Đánh giá kỹ hơn phần xây dựng Đảng

PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là một công trình được chuẩn bị công phu, có cách nhìn bao quát, sát với thực tiễn của Thủ đô.

Về các nội dung cụ thể, nên tách phần xây dựng Đảng thành một mục lớn riêng vì đây là nội dung quan trọng nhất trong Đại hội Đảng, không chỉ là mục nhỏ trong báo cáo. Trong nội dung về xây dựng Đảng nên đề cao hơn tính chiến đấu, tính tiền phong của tổ chức Đảng như chi bộ, Đảng bộ cơ sở (nhất là tổ chức Đảng ở những nơi vừa từ thôn trở thành tổ dân phố, từ xã trở thành phường) và của đảng viên, việc nói đi đôi với làm.
Cùng với đó, cần đề cao công tác kiểm tra Đảng trong xây dựng tổ chức, quản lý tổ chức, từ quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt, quản lý, xử lý cán bộ... vì điều này ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc đến mọi hoạt động của tất cả các cơ quan công quyền và cuộc sống của người dân Thủ đô. Vì thế, cần đánh giá phần này kỹ và sâu hơn.
 Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội - PGS.TS Bùi Thị An góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII. Ảnh: Thanh Hải
Nội dung của Dự thảo Báo cáo chính trị khá toàn diện tuy nhiên nên lập bảng so sánh kết quả đạt được so với chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đặt ra để dễ nhận biết. Về bài học kinh nghiệm, cần làm rõ nhiệm kỳ vừa rồi bài học nào là chính, ngoài những bài học mang tính kinh điển; đồng thời nên có các ví dụ cụ thể khi nhấn mạnh kinh nghiệm.
Đối với phần phương hướng, trong nhiệm vụ, khi nêu về đột phá nên tập trung hơn và lấy xây dựng Đảng là một trong những khâu đột phá chính. Với Đảng cầm quyền, nếu Đảng mạnh, sẽ có hệ thống chính trị mạnh, sức mạnh đoàn kết giữa Đảng và Nhân dân được tăng cường, bảo đảm Hà Nội vượt qua mọi khó khăn, không ngừng phát triển bền vững.
Đồng thời, về khoa học công nghệ, khi kiểm điểm đánh giá (trang 11), chưa nêu vấn đề tồn tại chính của khoa học công nghệ trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 để có thể đưa ra phương hướng về mặt chủ trương để khắc phục trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Về chất lượng nguồn nhân lực mục 5 (trang 54), đây là lợi thế lớn nhất của Thủ đô song phải làm rõ tận dụng lợi thế này như thế nào? Cùng đó, TP nên xây dựng chiến lược, kế hoạch tổ chức đào tạo và đào tạo lại theo nhu cầu của thị trường lao động quốc tế. Qua đó xây dựng Thủ đô trở thành một đầu mối, nguồn chính cung cấp và có thể xuất khẩu nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực cũng như các DN FDI vì chúng ta có đầy đủ điều kiện (nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô).
Về mục 11.2: “Nâng cao hiệu lực...”, tôi hoàn toàn đồng tình tiếp tục thực hiện quan điểm người dân và DN là đối tượng phục vụ của chính quyền các cấp; sự hài lòng của người dân và DN là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền.
Tuy nhiên, phải có cơ chế lắng nghe dân và lựa chọn phương thức đánh giá thì các số liệu công bố mới phản ánh đúng, sát thực tế. Đặc biệt, chú trọng lĩnh vực các chính sách xã hội và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...