Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Giảm tải ít, vẫn học nhiều môn

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể vừa đưa ra lấy ý kiến dư luận đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà giáo và các bậc phụ huynh.

Là bởi bản dự thảo được công bố lần 2 sau gần 2 năm chỉnh sửa này hứa hẹn nhiều điểm mới theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, định hướng chọn nghề cho học sinh (HS).
Định hướng nghề từ lớp 11, 12
Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể, điểm đổi mới nhất của chương trình mới chính là ở cấp THPT - giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Trong đó, lớp 10 sẽ được coi là lớp dự hướng, giúp HS có được sự chuẩn bị để chọn hướng nghề nghiệp cho đúng. Lớp 11 và 12 là giáo dục định hướng nghề nghiệp, đảm bảo HS tiếp cận nghề nghiệp, đào tạo có chất lượng sau THPT. Ngoài ra, dự thảo chương trình GDPT tổng thể cũng đề cập tới định hướng xây dựng các chương trình môn học; định hướng về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập; điều kiện thực hiện chương trình phổ thông và phát triển chương trình GDPT...

Giờ học Ngữ văn lớp 12 trường THPT Kim Liên. Ảnh: Công Hùng

Đánh giá về Chương trình GDPT tổng thể, ông Hồ Sỹ Anh - Viện Nghiên cứu giáo dục, trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, chương trình GDPT mới có nhiều thay đổi, bám sát hơn Nghị quyết 88 của Quốc hội về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Chẳng hạn như trong vấn đề định hướng nghề nghiệp, dự thảo của chương trình mới đã nêu rõ hơn, mạnh mẽ hơn khi đưa ra một số môn bắt buộc, môn tự chọn. Chương trình lớp 11, 12 đã cho HS chọn 5 môn, chỉ bắt buộc các môn thể dục, giáo dục quốc phòng, hoạt động trải nghiệm. Điểm mới thứ hai, môn tích hợp trước đây là gộp 3 môn Sử - Địa - Giáo dục công dân thành môn khoa học xã hội ở cấp THCS thì giờ đây được chuyển thành môn Lịch sử - Địa lý.
Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá cao về dự thảo chương trình GDPT tổng thể thì cũng không ít ý kiến băn khoăn cho rằng, giáo dục ở bậc THPT vẫn phải học nhiều môn, chưa giảm tải nhiều. Ông Đào Tuấn Đạt - Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cho biết, xem qua dự thảo thấy giảm tải chương trình nhưng xét kỹ thì không. Số tiết học của chương trình cũ và mới đều khoảng 30 tiết/tuần, vậy là như nhau. HS lớp 11, 12 bị bắt buộc học tới 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Quốc phòng và 4 môn tự chọn nữa là 8 môn: “Số môn nhiều như vậy lại như cũ. HS không lấy đâu sức lực và thời gian cho các môn định hướng nghề nghiệp. Môn học nhiều không còn gọi là định hướng nữa”. Ông Đạt cho rằng, bắt các em học hết các môn năm lớp 10 để rồi chọn ở lớp 11, 12 là quá thận trọng. Lớp 10 sẽ thành năm “không có hướng” hoặc “không quan tâm hướng” chứ không phải “dự hướng”. “Nếu gọi đây là bản chất của chương trình mới, thực tế không có gì thay đổi cả. Theo tôi, 2 năm lớp 11, 12 chỉ học từ 2 - 3 môn, còn lại là hoạt động giáo dục thực tế khác” – ông Đạt đề xuất.
Cũng đưa ra những đóng góp cho dự thảo Chương trình GDPT tổng thể, ông Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng trường THPT WellSpring (Hà Nội) cho biết, việc định hướng nghề nghiệp hiện nay ở cấp THPT chưa rõ ràng, phần lớn là theo sự ép buộc của gia đình và ý thức chủ quan của HS. Việc định hướng nghề nghiệp chưa tính đến năng lực thực sự của HS và nhu cầu của xã hội trong 5 năm sau. Các trường chưa có nhiều thông tin về thị trường lao động đang cần những ngành nghề nào. Nếu không thực hiện chương trình GDPT tổng thể trên toàn quốc và chọn lọc được những ngành nghề nào xã hội đang cần để giảng dạy thì có thể chương trình sẽ thất bại.
Đổi mới cách dạy, cách học
Bên cạnh hệ thống môn học, định hướng nghề nghiệp, dự thảo chương trình tổng thể đã có những đổi mới trong đánh giá HS. Đánh giá kết quả quá trình học tập của HS, mức độ đạt được của người học về phẩm chất, năng lực so với mục tiêu giáo dục...
Đưa ra những nhận định về chương trình GDPT tổng thể, bà Nguyễn Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chương trình GDPT được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Điều này đã được thể hiện trong quan điểm, mục tiêu, nội dung phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của HS. “Đánh giá kết quả quá trình học tập của HS và kết quả thi tốt nghiệp phải đánh giá tiến bộ, mức độ đạt được của người học về phẩm chất, năng lực so với mục tiêu giáo dục. Định hướng phát triển phẩm chất và năng lực đòi hỏi phải đổi mới căn bản cách dạy, cách học” – bà Đan nhấn mạnh.  Đồng thời cho rằng, chương trình tốt chỉ là một điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ để thành công là điều kiện trong tổ chức thực hiện: “Những điều kiện đó trực tiếp là đội ngũ giáo viên (GV). Đội ngũ GV hiện nay nói về đạt chuẩn có thể vượt chuẩn rất cao, nhưng quan trọng còn ở phương pháp dạy học. Trước đây là truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, thái độ theo một cách tách rời; nhưng hiện nay yêu cầu phải dạy học theo phát triển phẩm chất và năng lực”.
Theo bà Đan, quan trọng nhất phải bồi dưỡng được đội ngũ GV về phương pháp dạy học theo phát triển phẩm chất và năng lực thì mới đạt được yêu cầu. Cách dạy trước đây chưa rèn cho HS biết huy động tổng hợp kiến thức, thái độ, kỹ năng để thực hiện mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực. Chất lượng GDPT trước hết phụ thuộc và trình độ đội ngũ của GV, càng ngày càng đòi hỏi trình độ GV (đạo đức và năng lực) càng cao, vấn đề này hiện nay chúng ta phải quan tâm. Do đó, khi làm chương trình thì chuẩn hóa đội ngũ GV và điều kiện cơ sở phải làm song song, thậm chí phải làm trước.
Trong tương lai, HS sẽ không phải thi THPT quốc gia như hiện nay. Việc xét tốt nghiệp sẽ giao cho các cấp trường căn cứ vào đánh giá định kỳ năng lực HS. HS hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá năng lực theo quy định của Bộ GD&ĐT được cấp bằng tốt nghiệp mà không phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay. Hiện, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao Vụ Giáo dục trung học chủ trì phối hợp cùng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục và Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT xây dựng lộ trình đổi mới xét tốt nghiệp THPT khi chương trình mới bắt đầu được triển khai. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng khẳng định từ nay đến năm 2020 sẽ giữ ổn định hình thức thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp.
GS.TS  Nguyễn Minh Thuyết
Tổng chủ biên Chương trình GDPT