Dự thảo cơ cấu biểu giá điện mới: Chưa tiếp cận với đời sống

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Theo các chuyên gia, cách tính biểu giá điện mới của Bộ Công Thương chưa tiếp cận được với đời sống thực tế, số hộ nghèo được hưởng mức giá ưu đãi không nhiều.
Giá điện sinh hoạt tính theo 6 bậc

Lấy lý do khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, dự thảo biểu giá điện bán lẻ của Bộ Công Thương vẫn gồm 6 bậc có mức giá tăng dần. Cụ thể, từ 0 - 50kWh có mức giá bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân; từ 51 - 100kWh giá bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân; từ 101 - 200kWh giá bằng 110% giá bán lẻ điện bình quân; từ 201 - 300kWh giá bằng 138% giá bán lẻ điện bình quân; từ 301 - 400kWh giá bằng 154% giá bán lẻ điện bình quân và từ 401kWh trở lên có giá bằng 159% giá bán lẻ điện bình quân. Dự thảo cũng nêu rõ: Hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hằng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

Công nhân EVN HANOI ứng dụng công nghệ mới trong việc ghi chỉ số công tơ của khách hàng. Ảnh:  Việt Cường

Biểu giá điện vẫn áp dụng cho giờ cao điểm và thấp điểm khi cung cấp điện sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng cho rằng, với cơ cấu giá trong biểu giá điện như vậy, chỉ những người sử dụng dưới 100kWh mới được hưởng giá điện dưới mức giá bán lẻ điện bình quân. Còn lại, đại đa số người tiêu dùng trả tiền cao hơn giá bán lẻ điện bình quân từ 110 - 154%.

Thực tế cho thấy, để “né” việc phải trả tiền điện giá cao, nhiều gia đình đã tách hộ khẩu để tách thành nhiều công tơ riêng. Chị Hoài An ở ngõ 85 đường Nguyễn Lương Bằng cho biết: Từ ngày bắt đầu tính giá điện 6 bậc, gia đình chị đã sử dụng 2 công tơ, qua đó giảm bớt trả tiền điện. Chẳng hạn khi sử dụng một công tơ thì gia đình phải trả 2 triệu tiền điện/tháng, nhưng sử dụng 2 công tơ thì mùa Hè chỉ phải trả 1,5 triệu đồng, mùa Đông chỉ 800.000 - 900.000 đồng/tháng.

Một vấn đề khác cũng nhận được nhiều ý kiến là giá điện phục vụ kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn được tính từ 2.100 - 2.300 đồng/kWh, trong khi điện cho sản xuất là 1.300 - 1.500đồng/kWh, còn khối hành chính sự nghiệp 1.600 đồng/kWh. Nhiều người dân, sinh viên thuê nhà khu vực Phùng Khoang, Cầu Diễn… cho biết hiện họ đang phải chịu mức giá điện dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/kWh. Khi hỏi chủ nhà vì sao tính giá cao như vậy, đều có chung câu trả lời: Điện phục vụ kinh doanh giá cao, dùng càng nhiều thì ngành điện tính tiền cao gấp 2 lần.

Người nghèo có được hưởng lợi?

Mặc dù dự thảo biểu giá điện đang được Bộ Công Thương xây dựng theo hướng hỗ trợ cho người nghèo, tuy nhiên so với mức giá cụ thể quy định tại biểu giá điện cũ thì mức chênh lệch không đáng kể, gần như tương đương. Bà Nguyễn Thị Thu Nga, ở Tư Đình (quận Long Biên) chia sẻ: Việc chia biểu giá điện thành 6 bậc là quá dày vì những người dùng dưới 50 kWh chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, còn đại bộ phận người dân dùng từ 100 - 200 kWh/tháng. Nếu chia bậc dày thế thì tiền điện đội lên nhiều. Về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, Bộ Công Thương có thể thu hẹp số bậc và tăng giãn cách tới 150kWh cho mỗi mức 3, 4 và 5 thay vì chỉ 100 kWh như hiện nay. Ngoài ra, không nên tính đồng giá giữa các hộ sử dụng dưới 500 kWh và hộ sử dụng hàng nghìn kWh điện.

Theo đánh giá của PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), với biểu giá điện mới thì chỉ những hộ cực nghèo chỉ sử dụng điện để thắp sáng mới được mua với giá thấp hơn mức giá bán lẻ điện bình quân, việc đưa ra mức giá điện cho người nghèo như vậy là chưa hợp lý. Ngoài ra, số gia đình có mức sử dụng điện trung bình từ 101 - 400 kWh/tháng chiếm phần lớn, với cách tính theo biểu giá điện mới, phần lớn khách hàng phải trả tiền cao hơn giá bán lẻ điện bình quân từ 110 - 154%. Như vậy, thay vì hỗ trợ giá điện thấp cho người nghèo thì ngược lại, số người tiêu dùng sử dụng điện ở mức giá cao hơn giá hiện tại lại nhiều hơn, tạo ra sự thiếu cân bằng.
Biểu giá điện với 6 bậc hiện nay là khá hợp lý. Tuy nhiên, cần phải xem xét cân nhắc ở bậc thang mà nhiều người sử dụng nhất có mức giá hợp lý, từ đó có điều chỉnh cho phù hợp. Hiện đời sống ngày càng cao người dân không chỉ sử dụng bóng đèn mà còn sử dụng nhiều đồ điện khác, nên mức trên 100 - 200 kWh là phổ biến, số dùng trên 300 kWh cũng nhiều nên chiếm tỷ lệ sản lượng điện lớn mà phải chịu cao hơn giá bình quân nên cần phải xem xét lại.
PGS.TS Ngô Trí Long
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính)
Khi có biến động về biểu giá điện, dù ít dù nhiều, chắc chắn sẽ tác động giá cả bán lẻ hàng hóa trên thị trường. Rất có thể việc thay đổi nhỏ trong biểu giá điện chưa gây tác động ngay trực tiếp tới giá hàng hóa, song tâm lý “tát nước theo mưa” sẽ khiến cho giá hàng hóa tăng. Điều này vô tình gây tác động xấu tới các hộ tiêu dùng nghèo. Bởi với biểu giá điện được đưa ra, mức hỗ trợ chưa thấy đâu nhưng tác động tăng giá là điều có thể nhìn trước.
Ông Vũ Vinh Phú 
Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội