Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi): Cần lộ trình tổ chức theo từng giai đoạn cụ thể

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội làm việc tại Hội trường, cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với việc sửa đổi toàn diện Luật Cư trú để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. Đồng thời, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý cư trú, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú.
Theo đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái), việc quy định quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân thay thế cho sổ hộ khẩu là sự thay đổi tích cực, phù hợp với sự phát triển khoa học công nghệ thông tin và xu thế chung của thế giới. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư; cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi cho người dân tham gia các hoạt động giao dịch dân sự, thể hiện sự minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Tuy nhiên, đại biểu Triệu Thị Huyền cho rằng, cần có lộ trình tổ chức theo từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với tiến độ cấp số định danh cá nhân do Bộ Công an hiện đang triển khai.
Về hành vi bị nghiêm cấm, đa số đại biểu nhất trí với quy định về 13 hành vi cấm trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi gian dối làm ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân. Tuy nhiên, chỉ ra thực tế hiện nay nhiều công dân sinh sống, làm việc lâu dài, thường xuyên không ở nơi mình đăng ký thường trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú ở nơi sinh sống, làm việc. Trong khi đó, có nhiều quy định của cơ quan, đơn vị dựa vào hộ khẩu thường trú, nơi đăng ký thường trú làm hạn chế quyền lợi của công dân. 
Đại biểu Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) đề nghị, cần bổ sung quy định cấm các cơ quan, đơn vị ban hành các quy định dựa vào thông tin đăng ký thường trú, tạm trú làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân.

Giải trình trước Quốc hội về dự thảo Luật cư trú (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ đã đề nghị với Quốc hội xem xét thông qua luật này vào kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 14, đồng thời luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hiện Bộ Công an đã cấp được khoảng 16 triệu căn cước công dân số định danh trong tổng số hơn 90 triệu công dân. Ước lượng còn khoảng 80 triệu công dân chưa được cấp căn cước công dân này. Trong đó, người dưới 14 tuổi khoảng 30 triệu, tức là còn khoảng 50 triệu dân công dân nữa cần phải được cấp căn cước công dân.

“Thời gian chúng tôi dự kiến sẽ còn một năm nữa để thực hiện việc này. Nếu được Quốc hội và Chính phủ ủng hộ, Bộ Công an chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để có thể cấp được trong 1 năm nữa hoàn thành được số này trước ngày 1/7/2021, khi luật này chính thức có hiệu lực”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Giải trình với đại biểu Quốc hội về tiến độ cấp số định danh cá nhân hiện nay, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã thu thập và đưa vào trong hệ thống thông tin dữ liệu về công dân khoảng 80 triệu công dân, trong khi kiểm tra trước đây, 4 năm mới làm được 16 triệu, bây giờ tại sao trong thời gian vừa qua làm rất nhanh.

“Trên thực tế, vừa qua lực lượng công an xã chính quy là lực lượng chủ lực thực hiện công việc đã hoàn thành 99% các xã, kiểm tra độ chính xác của thông tin dữ liệu để đưa vào máy”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: “Chúng tôi thấy rằng với việc đề xuất Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, mà hiện đã hoàn thành cơ bản việc cấp căn cước công dân cho những người từ 14 tuổi trở lên. Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được việc này và tiếp tục cấp cho những người dưới 14 tuổi sẽ hoàn thành trong thời gian tiếp theo đó sau ngày 1/7/2021”.

Đối với những ý kiến về điều kiện được đăng ký thường trú thành phố trực thuộc Trung ương, xóa đăng ký thường trú, quy định chuyển tiếp khi luật có hiệu lực thi hành… cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm tra Quốc hội và các cơ quan hữu quan khác để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật để trình ra Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 14./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần