Dự thảo Luật Đặc khu có nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư

KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Thời gian gần đây, thị trường BĐS có nói nhiều đến đất đặc khu – đặc khu kinh tế và dự thảo Luật liên quan đến khái niệm này. Hiện tôi cũng đang muốn đầu tư vào một trong 3 đặc khu tương lai nhưng lại chưa nắm rõ về dự thảo Luật Đặc khu. Vậy xin quý báo cho biết về dự thảo Luật cũng như phạm trù phát triển “đặc khu kinh tế” ở nước ta?" - Trần Minh (phường Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội)

Bạn Trần Minh thân mến,
Năm 2017, trên cơ sở Thông báo kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với 104 điều khoản, được chuẩn bị từ năm 2014 mới chính thức được Chính phủ trình ra Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV (tháng 10 - 11/2017). Dự thảo Luật này sẽ được trình Quốc hội lần cuối và xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV diễn ra vào cuối tháng 5 và tháng 6 tới đây. Nếu được thông qua, sẽ là cơ sở pháp lý cho việc hình thành đặc khu kinh tế ở Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), và Vân Đồn (Quảng Ninh).
 Đặc khu kinh tế ở Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo đó, một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật nói trên là phương án giao đất và cho thuê đất đến 99 năm. Đây là nội dung rất được quan tâm vì liên quan đến an ninh quốc phòng. Dự thảo nêu rõ: Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc miễn tiền thuê đất, theo dự thảo, kể cả nhà đầu tư chiến lược cũng được miễn không quá 30 năm, nhưng không quá 1/2 thời gian hoạt động của nhà đầu tư để đảm bảo có nguồn thu cho đặc khu.

Mặt khác, dự thảo cũng đưa ra một số ưu đãi chưa có tiền lệ ở Việt Nam cho các nhà đầu tư ở đặc khu. Ví như: Được phép lựa chọn hệ thống pháp luật nước ngoài (qua thỏa thuận) để giải quyết tranh chấp, được đóng các mức thuế rất thấp (thường thấp hơn một nửa) so với những nơi khác, thu ngân sách được giữ lại toàn bộ để phát triển, trưởng đặc khu gần như có toàn quyền quyết định các vấn đề hệ trọng trong đặc khu.

Được biết, chủ trương phát triển “đặc khu kinh tế” xuất hiện ngay từ sau Đổi mới ra đời, và được văn bản hóa ở Nghị quyết T.Ư 4 Khóa VIII (1997), Văn kiện Đại hội X năm 2006. Vũng Tàu – Côn Đảo là “đặc khu” đầu tiên ở nước ta, ra đời năm 1979 nhằm phục vụ phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt, trong điều kiện nước ta vẫn đang ở thời kỳ kinh tế kế hoạch. Sang giai đoạn Đổi mới, các khu kinh tế “mở” phát triển dày đặc ở các tỉnh miền Trung (như Dung Quất, Chu Lai, Nghi Sơn, Vũng Áng), thực chất mang dáng dấp của đặc khu kinh tế ở mức độ sơ khai và quy mô nhỏ, chưa đủ để tạo ra đột phá. Vì vậy, nếu dự thảo luật nói trên được thông qua, 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt: Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), và Vân Đồn (Quảng Ninh) được kỳ vọng sẽ đem lại những đột phá mới trong phát triển kinh tế.