Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi): Còn nhiều điểm vướng mắc

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sau nhiều lần cho ý kiến, đã được chỉnh lý. Tại cuộc thẩm tra của Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến nhận định, Dự Luật đã tập trung thể hiện chính sách mới, hướng đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục đào tạo, nhưng cũng còn nhiều điểm vướng mắc.

 Giờ học toán học sinh trường THCS Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Ảnh: Hải Linh
Nhìn rộng hơn, sâu hơn
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều (tăng 34 điều so với Dự Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5). Tuy tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, không nhất thiết sửa hết các điều mới là toàn diện, quan trọng là phải thể hiện được tính chất đổi mới căn bản, trở thành hành lang pháp lý để hướng tới mục tiêu cao nhất của giáo dục.
Muốn vậy, phải chỉ ra Luật Giáo dục đang bị ảnh hưởng bởi những luật nào, cần điều chỉnh ra sao để tránh vướng mắc, chồng chéo và khó đi vào cuộc sống. Theo ĐB Tô Thị Bích Châu, Dự Luật đang được sửa đổi toàn diện, nếu không xác định rõ những tác động khác xung quanh sẽ rất khó thực hiện. Hơn nữa, Dự Luật lần này đặt kỳ vọng nhiều nhưng vẫn chưa thể hiện rõ được giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Trước quan điểm, Dự Luật phải đặt ra nhiều vấn đề sâu rộng hơn, có ý kiến đề xuất, Dự Luật cần quy định những hành vi nghiêm cấm trên cơ sở lường trước bất cập có thể xảy ra trong quá trình thực hiện đổi mới. Dẫn chứng về quy định liên quan đến thi tốt nghiệp THPT, giữ như trong Luật Giáo dục hiện hành; các quy định về triển khai thực hiện thi tốt nghiệp THPT giao Chính phủ quy định trong các văn bản dưới Luật, ĐB Chu Lê Chinh cho rằng, quy định như thế là không “ổn” trong tình hình hiện nay, kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua là một thực tế. Muốn nghiêm thì phải luật hóa, nếu không sau này vi phạm cùng lắm chỉ xử lý theo mức độ bằng văn bản dưới luật, tức là không đủ mạnh.
Quy định đổi mới về quản trị của cơ sở giáo dục, đề xuất thành lập Hội đồng trường đối với tất cả loại hình trường cũng gây ra những băn khoăn. Bởi với cấp mầm non và phổ thông, vấn đề lớn đã có luật quy định, về cơ sở vật chất có vai trò Nhà nước, về chuyên môn có vai trò của Sở, Phòng GD&ĐT… lập ra Hội đồng trường là thêm gánh nặng.
Có lộ trình với chính sách mới
Điểm đáng lưu ý là trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐB Quốc hội, Dự Luật đã bổ sung 2 nhóm chính sách mới. Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục nhận được sự tán thành.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để chính sách ưu việt này được triển khai khả thi, có hiệu quả, cần quy định rõ hơn về lộ trình thực hiện, trong đó đặt ra yêu cầu, thời điểm và điều kiện triển khai chính sách học phí này đối với người học thuộc diện phổ cập giáo dục ở cả trường công lập và dân lập, tư thục.
Cơ quan thẩm tra cũng cơ bản tán thành với việc nâng trình độ chuẩn đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, việc chuẩn hóa đội ngũ không chỉ ở tiêu chí trình độ đào tạo, mà quan trọng là chất lượng đào tạo và năng lực phù hợp với vị trí việc làm của nhà giáo.
Do đó, cơ quan soạn thảo phải giải trình rõ tiêu chí chuẩn hóa đội ngũ; phương thức đào tạo nâng chuẩn, các nguồn lực thực hiện chính sách để bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, đánh giá tác động của chính sách đối với các trường trung cấp sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ trung cấp khi chính sách này được thực hiện.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, cần ưu tiên thực hiện những chính sách trên đối với người học ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và người học thuộc nhóm trẻ em yếu thế, nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng đô thị.