Dự thảo Luật Kiến trúc: Băn khoăn vì mục tiêu chưa rõ

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/11, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật Kiến trúc. Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của Dự Luật khi mục tiêu, tư tưởng chủ đạo của Luật chưa rõ ràng.

Mới chỉ tập trung vào công tác quản lý

Dự Luật Kiến trúc được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, bất cập trong hoạt động kiến trúc và quản lý Nhà nước về kiến trúc thời gian qua, đặc biệt là tình trạng kiến trúc lai tạp, chưa có bản sắc riêng khá phổ biến... Tuy nhiên, theo đại biểu (ĐB) Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình), Dự luật mới chủ yếu tập trung vào quản lý Nhà nước về kiến trúc và quản lý hành nghề kiến trúc mà chưa thấy được nội dung quy định về bản sắc kiến trúc như thế nào. Tài liệu dự án Luật được gửi đến ĐB cũng rất mỏng, trong khi đây là luật chuyên ngành, rất khó nên chính ĐB cũng bị lúng túng khi đánh giá các điều khoản cụ thể.
 Đại biểu Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại tổ.  Ảnh:  Hồng Hạnh
ĐB Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) cũng nhận định, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá được nếu chưa có luật thì hạn chế gì và khi có luật thì giải quyết được những vấn đề gì. Ví dụ đánh giá tác động về thủ tục hành chính, nếu theo Dự Luật sẽ có khá nhiều thủ tục hành chính liên quan đến việc thi tuyển, lựa chọn phương án kiến trúc, cấp phép hành nghề kiến trúc, tổ chức hành nghề kiến trúc… nhưng chưa được đánh giá tác động kỹ.

Tại tổ Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải - Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, phạm vi điều chỉnh Dự Luật nên ghi “Luật này quy định về kiến trúc, quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc”. Bên cạnh đó, có những nội dung đã được điều chỉnh ở luật khác như quản lý kiến trúc công trình đã được xếp hạng di tích di sản… có cần cân nhắc việc nêu lại không?

Quốc hội chốt chỉ tiêu năm GDP 2019 tăng 6,6 - 6,8%

Ngày 8/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Trong đó, đặt mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năm 2019 tổng sản phẩm trong nước GDP tăng 6,6 - 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%...

Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, Quốc hội đã đề nghị các cơ quan tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, nhấn mạnh đến yêu cầu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thế giới. Kiên định mục tiêu đổi mới thể chế là đột phá quan trọng, tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nhất là những ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Đẩy nhanh triển khai dự án giao thông, công nghiệp trọng điểm, có sức lan tỏa cao, tạo nền tảng phát triển giai đoạn tiếp theo.
Liên quan đến phần tuyển chọn phương án kiến trúc, Dự Luật quy định tối thiểu phải có 3 phương án, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, phải xem lại cho phù hợp với Luật Đấu thầu. Bởi, những công trình kiến trúc lớn thường có nhiều phương án, nhiều bên tham gia, chi phí lớn, nhưng công trình nhỏ không có nhiều bên tham gia, chi phí nhỏ, có thể sẽ không đủ 3 phương án. “Nội dung này đề nghị xem xét lại cho phù hợp thực tiễn” – ĐB Hoàng Trung Hải nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng băn khoăn về quy định Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, vì thông thường trong luật chỉ quy định đến Bộ, UBND cấp tỉnh. Quy định như Dự Luật dễ dẫn đến vướng. Nên chăng ghi trong luật là UBND cấp tỉnh giao chức năng cấp chứng chỉ cho cơ quan có thẩm quyền là đủ.

Nặng về định tính sẽ khó khả thi

Cũng nhận định, một số quy định của Dự án Luật còn nặng về định tính, khó khả thi, ĐB Bùi Huyền Mai (đoàn Hà Nội) nêu ví dụ về quy chế quản lý kiến trúc, trong đó có quy định "quy chế quản lý kiến trúc này phải được cơ quan phê duyệt xem xét, rà soát đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với quy hoạch xây dựng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn". Theo ĐB, về thời hạn xem xét điều chỉnh, trong thực tiễn hiện nay, việc không quy định rõ thời hạn điều chỉnh sẽ rất dễ dẫn đến việc thực hiện tùy tiện.

Các ĐB cho rằng, điều quan trọng nhất với Dự Luật phải xác định được tư tưởng chủ đạo là gì. Nếu chỉ “cắt” những nội dung quy định tại các luật hiện hành về kiến trúc để xây dựng thành một luật riêng thì có hiệu quả hay không. Dự luật này phải được đánh giá sâu hơn nữa, rà soát tổng thể các quy định hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dưới góc độ của cơ quan chủ trì thẩm tra Dự Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Trần Văn Minh nhận định, đây là Dự án Luật rất khó. Trước hết là vì chưa có tiền lệ, tuy các quy định liên quan đến quy hoạch cũng đã có ở một số văn bản pháp luật nhưng chỉ mới ở dạng sơ khai. Dự Luật điều chỉnh lĩnh vực không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn mang tính nghệ thuật, sáng tạo. Nếu đưa ra công cụ quản lý quá chặt, có thể sẽ không phát huy được tính nghệ thuật, sáng tạo và ngược lại, nếu quá lỏng, sẽ không khắc phục được tình trạng “lai tạp, tùy hứng, thiếu tính nghệ thuật” trong kiến trúc vừa qua.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Minh cũng cho rằng, Dự Luật cần xem lại một số vấn đề như vị trí của hoạt động kiến trúc ở đâu trong tổng thể các hoạt động kinh tế - xã hội, giao thông, văn hóa; rà soát các quy định về nghề kiến trúc sư và một số quy định cụ thể…