Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia: Những quy định “thụt lùi”

Hà An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực trạng quá nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do tài xế uống rượu bia, các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (PCTHCRB) với những điều khoản đủ mạnh.

Tuy nhiên, so với những bản dự thảo ban đầu thì đến nay những điều luật đang “yếu” đi rất nhiều.
Dự thảo Luật đang “yếu” đi
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho biết, Dự án Luật PCTHCRB qua nhiều lần xin ý kiến, chỉnh sửa sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào cuối tháng 5/2019. Tuy nhiên, theo ông Quang, bản thân ông cùng các đồng sự đều cảm thấy rất lo ngại vì Dự thảo Luật đã bị bỏ đi nhiều điều khoản quan trọng nhằm kiểm soát việc sử dụng rượu, bia. Ngay cả tên gọi Dự thảo Luật cũng đang được nhiều ý kiến đề xuất theo hướng rối rắm, khó hiểu, đánh lạc hướng dư luận về tác hại thực sự của rượu, bia.
 Uống nhiều bia, rượu gây tác hại xấu cho bản thân và xã hội. Ảnh: Chiến Công
Cụ thể, ngay từ đầu Bộ Y tế đã giữ quan điểm tên Luật là PCTHCRB, song vì một nguyên nhân nào đó mà nhiều đại biểu Quốc hội lại không đồng tình, cho rằng tên Luật phải là “Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khoẻ con người”. “Với tên gọi “rối rắm” như vậy, ngay cả người làm luật cũng phải khó khăn mới nhớ nổi tên, chưa kể đến đối tượng hướng tới của luật là hơn 90 triệu người dân Việt Nam” - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế nêu.
Về nội dung của Dự thảo Luật hiện đã “yếu” đi nhiều, ông Quang dẫn chứng, so sánh Dự thảo trình Chính phủ ngày 11/7/2018 và Dự thảo trình Ủy ban Thường vụ tại phiên họp 33 giữa tháng 4/2019 cho thấy, các điều khoản liên quan đến kiểm soát quảng cáo, tiếp thị, và tài trợ rượu, bia đã bị đưa ra khỏi Dự thảo hoặc điều chỉnh làm “yếu” đi.

Để ngăn chặn những tác hại của rượu, bia không chỉ dừng ở khẩu hiệu “Uống rượu bia thì không lái xe” hay “Lái xe khi uống rượu, bia là tội ác” hay xử lý thật nghiêm những kẻ gây ra tội ác khi sử dụng rượu bia như cộng đồng mạng kêu gọi thời gian qua bởi đó chỉ là phần ngọn. Phần gốc của vấn đề nằm ở việc làm sao để kiểm soát, hạn chế tính sẵn có, phổ biến và dễ dãi trong sử dụng rượu, bia của người dân Việt Nam hiện nay. Muốn vậy cần đưa những quy định mạnh mẽ vào Luật PCTHCRB; nếu không, Luật chỉ mang tính hình thức chứ không có tác dụng trong thực tế." - Bà Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng

Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế

Chẳng hạn, quy định cấm quảng cáo trên internet, mạng xã hội (Dự thảo trình Chính phủ ngày 11/7/2018) đã bị bỏ ra. Cùng với đó, quy định cấm “tài trợ cho các sự kiện hoạt động văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, vui chơi giải trí” tại Dự thảo Luật ngày 15/2/2018 đã bị bỏ. Thay vào đó là quy định hoạt động tài trợ phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan và không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia; không được có tên sản phẩm rượu, bia; hình ảnh, thông tin về sản phẩm rượu, bia trên vật phẩm tài trợ.
Ngoài ra, các Dự thảo trước đó (11/7/2018) quy định các biện pháp kiểm soát như nhau với quảng cáo, khuyến mại đối với sản phẩm rượu, bia dưới 15 độ cồn. Tuy nhiên, hiện tại, Dự thảo phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm là dưới 5,5 độ; từ 5,5 đến dưới 15 độ, trong đó các quy định kiểm soát quảng cáo đối với sản phẩm có độ cồn dưới 5,5 độ “lỏng lẻo” hơn so với các sản phẩm có độ cồn từ 5,5 đến dưới 15 độ.
Theo đó, sản phẩm có độ cồn dưới 5,5 độ không bị cấm quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời; trong các chương trình, hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu điện ảnh. “Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm bia sẽ được quản lý lỏng lẻo hơn rượu, vì bia có độ cồn phổ biến từ 4 - 5 độ. Trong khi đó, thực tế cho thấy, 97% lượng cồn nguyên chất tiêu thụ ở Việt Nam là từ bia” - ông Quang cho biết.
Chưa kể, tại các Dự thảo trước, Bộ Y tế đưa ra rất nhiều quy định nhằm hạn chế tính sẵn có của rượu bia, nhằm hạn chế việc tiếp cận của người dân quá dễ dàng với rượu, bia như cấm bán rượu, bia tại trạm dừng đỗ xe, cấm bán rượu, bia sau 22 giờ... nhưng Dự thảo Luật lần này, các quy định nêu trên đều bị bỏ.
Đừng đánh tráo khái niệm
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, thiệt hại kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3 đến 12% GDP của mỗi quốc gia. Giả sử tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất thế giới là 1,3 GDP thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Chưa kể, rượu, bia cũng là thủ phạm hàng đầu gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, do vậy, việc hạn chế tính sẵn có của rượu bia, hạn chế quảng cáo rượu, bia và quản lý bình đẳng giữa rượu và bia là 3 vấn đề lớn cần phải được thể hiện rõ và mạnh trong Dự thảo Luật PCTHCRB.
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, vì lợi ích của hơn 90 triệu người Việt, Ban soạn thảo đề xuất nên quy định thời gian bán rượu, bia; giữ nguyên việc quy định quản lý đối với quảng cáo, khuyến mại với cả rượu và bia.
Theo bà Trang, hiện nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên quản lý quảng cáo rượu mà không tiến hành quản lý việc quảng cáo bia. Điều này là hoàn toàn sai lầm bởi việc quản lý đối với quảng cáo cả rượu và bia là cần thiết do cả bia và rượu đều chứa cồn gây nghiện, được Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư, có tác động lên hầu hết cơ quan cơ thể.
Bên cạnh đó, nếu không quản lý quảng cáo đối với bia thì sẽ không thống nhất với Luật Cạnh tranh, phân biệt đối xử và không bảo đảm bình đẳng giữa các hàng hóa có tính chất như nhau. Ngoài ra, nếu không quản lý quảng cáo, khuyến mại với bia cũng sẽ tạo ra thông điệp cho rằng bia là an toàn, không gây hại nên không cần hạn chế, ảnh hưởng đến truyền thông và nhận thức của người dân, tạo tâm lý chủ quan trong tiêu dùng. “Quan điểm xuyên suốt của Bộ Y tế là không có sự phân biệt giữa rượu và bia trong việc quy định các biện pháp quản lý quảng cáo, khuyến mại" - bà Trang khẳng định.
Không những cố tình lờ đi tác hại của rượu, bia mà theo bà Trang, hiện nay một số đối tượng đang cố tình thực hiện mục tiêu tuyên truyền và đánh tráo khái niệm về việc “uống có trách nhiệm". Đây là một giải pháp hoa mỹ được ngành công nghiệp rượu, bia quốc tế khởi xướng từ nhiều thập kỷ qua. Mục đích là làm động tác giả để đánh lừa, làm nhẹ đi đặc tính "gây nghiện", "gây hại", "gây ngộ độc cấp và mãn tính" vốn là đặc trưng tiềm ẩn của sản phẩm này.
Cụm từ "có trách nhiệm" đã khiến cho không ít người, kể cả những người có trình độ và vị thế xã hội lầm tưởng hoặc có đủ tri thức để hiểu nhưng vì một lý do nào đó cố gắng cho rằng rượu, bia vô hại và chỉ có người uống là có lỗi.
“Cách đánh tráo khái niệm này đã hoán đổi hoàn toàn trách nhiệm của ngành công nghiệp rượu, bia sang người uống và làm cho rượu bia không còn bất bình thường, lờ đi các giải pháp căn nguyên, gốc rễ của vấn đề về tác hại của rượu, bia” - bà Trang phân tích.

"Các nhà làm luật cần phải khẳng định thật rõ ràng và mạnh mẽ trong Dự thảo Luật PCTHCRB rằng rượu, bia là chất gây nghiện, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, khả năng lao động của mỗi con người, gây bất ổn về tình hình xã hội và suy giảm kinh tế.

Do đó, cần thêm vào Dự thảo Luật các quy định cụ thể nhằm khiến cho rượu, bia trở nên khó tiếp cận hơn, không sẵn có, tràn lan như hiện nay bằng các biện pháp đánh thuế cao để giá cao, hạn chế/cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, hạn chế mật độ điểm bán, giờ bán, điểm uống, giờ uống, lái xe thì không uống và xử phạt nghiêm.

Bên cạnh đó, nếu Luật không đưa vào các quy định kiểm soát quảng cáo mạnh với sản phẩm có nồng độ cồn dưới 5,5%, chủ yếu là bia, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng không nhỏ tới hành vi tiêu dùng rượu bia, đặc biệt là giới trẻ bởi những người trẻ tuổi thường bắt đầu uống các loại đồ uống có độ cồn thấp như bia, và chịu ảnh hưởng lớn bởi các chiến lược quảng cáo, tiếp thị của ngành công nghiệp." - TS.BS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu

và Đào tạo phát triển cộng đồng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần