Dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi: Ngành thuế “đá bóng” trách nhiệm

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi mới nhất, Bộ Tài chính đề xuất, ngân hàng có trách nhiệm định kỳ cung cấp tài khoản, thông tin người nộp thuế cho cơ quan thuế; tự khấu trừ thuế trên tài khoản một số khách hàng… Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các DN và luật sư, quy định này sẽ ảnh hưởng đến quyền tài sản của tổ chức, cá nhân, thậm chí bất khả thi.

Khách hàng làm thủ tục hành chính tại chi nhánh SHB Hà Nội. Ảnh: Việt Linh
Bất khả thi
Theo Dự thảo của Bộ Tài chính, với cá nhân có thu nhập lớn từ kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn. Trong văn bản góp ý về Dự thảo, NHNN cho rằng, việc ngành thuế đề xuất ngân hàng thương mại (NHTM) tự động khấu trừ tiền trên tài khoản của khách hàng để nộp thuế mà không được sự đồng ý của khách hàng sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp về tài sản của tổ chức, cá nhân được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và không phù hợp với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật Inteco cho biết, các quyền, nghĩa vụ giữa ngân hàng và khách hàng được xác lập trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện. Luật Các TCTD quy định, ngân hàng có nghĩa vụ tôn trọng và đảm bảo các quyền của khách hàng, có quyền “từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”. Bên cạnh đó, theo ông Phong, hoạt động TMĐT khá đa dạng và thay đổi liên tục. Nếu yêu cầu NHTM thực hiện việc khấu trừ, trích nộp là điều bất khả thi bởi ngân hàng không thể nhận diện, phân biệt được lý do và mục đích của dòng tiền chảy qua tài khoản khách hàng, đặc biệt là tài khoản của cá nhân.

Cung cấp thông tin tài khoản khách hàng - chưa quốc gia nào làm

Ngoài ra, Dự thảo do Bộ Tài chính soạn thảo cũng đề xuất, NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. Các thông tin này bao gồm: Thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế.

Tuy nhiên, NHNN cho rằng, quản lý thuế là chức năng của ngành thuế nên việc quy trách nhiệm cho NHTM là không phù hợp. Qua rà soát kinh nghiệm quốc tế, NHNN chưa thấy có quốc gia nào có quy định tương tự đối với ngân hàng T.Ư. “Các quy định này có phạm vi quá rộng và có thể dẫn tới việc lạm dụng quy định trong quá trình thực thi, đồng thời không phù hợp với yêu cầu về bảo mật thông tin quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 14, Luật Các TCTD”- văn bản của NHNN nêu rõ.

Bên cạnh đó, lượng thông tin tài khoản của người nộp thuế mở tại ngân hàng là rất lớn. Do đó, việc yêu cầu cung cấp thông tin định kỳ cho các cơ quan quản lý thuế sẽ gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng và khó thực hiện trên thực tế. Về nguyên tắc, việc cung cấp thông tin chỉ nên áp dụng đối với các tài khoản liên quan giao dịch về thuế và người nộp thuế có thái độ trốn tránh, chây ì thực hiện nghĩa vụ thuế.

Phía DN, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ý kiến, quan hệ giữa NHTM và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, NHTM cần phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này cần phải hợp lý, rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, đồng thời bảo đảm NHTM không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu này của cơ quan quản lý thuế. Đối với mã số thuế khách hàng, VCCI đặt câu hỏi: "Không hiểu tại sao cơ quan quản lý thuế lại yêu cầu NHTM cung cấp thông tin này trong khi đây là cơ quan chủ quản? Không phải trong mọi người hợp khách hàng của NHTM cũng có mã số thuế, vì vậy yêu cầu như vậy là không bảo đảm tính khả thi".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần