Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi: Chế tài mạnh để quản lý taxi công nghệ

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Taxi công nghệ sẽ phải đeo “mào” như taxi truyền thống, phải gắn phù hiệu “xe taxi” trên kính xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định... Đó là những quy định đáng chú ý trong Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi đang được Bộ GTVT lấy ý kiến góp ý.

 Khách hàng sử dụng điện thoại gọi dịch dụ Grab taxi. Ảnh: Công Hùng
Đã có “đặc điểm nhận dạng” cho taxi công nghệ
Trong Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi được Bộ GTVT đưa ra lần này, những quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi tương đối rõ ràng. Nhiều nội dung trong Nghị định 86 hiện hành đã được bỏ bớt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc tổ chức hoạt động. Đầu tiên có thể kể tới là khái niệm về vận tải hành khách bằng xe ô tô đã được cắt nghĩa một cách rõ ràng, dễ hiểu hơn.
Không nên cấm đường đối với taxi

Hiện nay một số tuyến đường có quy định cấm xe taxi. Bản thân tôi thì không ủng hộ việc cấm xe taxi. Nếu muốn cấm thì cấm xe cá nhân 4 chỗ. Vì dù sao xe taxi vẫn là phương tiện vận tải hành khách có tính công cộng rất cao. Việc cấm taxi là quy định rất ngược đời. Trên thế giới chưa thấy nơi nào làm thế cả.

TS Phan Lê Bình - Chuyên gia giao thông của JICA
Đơn cử, Dự thảo Nghị định đã bổ sung các công đoạn được xác định là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đó là quyết định giá cước vận tải, kể cả việc công đoạn quyết định giá cước này được thực hiện qua phần mềm điện tử. Với “đặc điểm nhận dạng” này, các hãng taxi công nghệ hiện nay đương nhiên sẽ được xếp vào công ty kinh doanh vận tải chứ không chỉ đơn thuần là đơn vị cung cấp phần mềm như trước. Bởi áp theo “đặc điểm nhận dạng” trên, các hãng taxi công nghệ có quyền quyết định giá cước thông qua phần mềm.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong bản Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi là quy định taxi công nghệ (loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi tính tiền thông qua phần mềm) bắt buộc phải có hộp đèn mang dòng chữ “taxi điện tử” gắn cố định trên nóc. Hay gọi nôm na là phải đeo “mào” giống như taxi truyền thống.
Ngoài ra, taxi công nghệ phải gắn phù hiệu “xe taxi” trên kính xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định. Dự thảo nghị định cũng đưa ra quy định, đối với các xe taxi công nghệ, trên xe phải có thiết bị đã được cài đặt phần mềm kết nối để giao dịch với hành khách; đảm bảo cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm: thông tin về DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải (tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế); thông tin về lái xe (họ và tên, hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe, số điện thoại).
Ngoài ra, đơn vị kinh doanh taxi công nghệ phải gửi hóa đơn điện tử cho khách hàng, đồng thời gửi thông tin về Tổng cục Thuế. Phần mềm đặt xe phải tuân thủ quy định về giao dịch điện tử, đăng ký với Bộ Công Thương, thông báo với Sở GTVT nơi cấp phép kinh doanh. Quy định này nhằm kiểm soát doanh thu và thuế của các hãng taxi công nghệ. Tránh việc thất thoát nguồn thu của Nhà nước.
 
Phải dựa trên quyền lợi người dân

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Phan Lê Bình – Chuyên gia giao thông của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, việc quy định gắn “mào” để cùng một môi trường hoạt động với taxi truyền thống là quy định hợp lý và nên ủng hộ. “Hiện nay taxi truyền thống bị cấm hoạt động trên một số tuyến đường. Điều này dẫn đến việc khi cấm xe taxi truyền thống mà taxi công nghệ lại không bị cấm sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Nên việc đeo “mào” để có sự nhận diện giống như taxi truyền thống là quy định đúng đắn” - TS Phan Lê Bình phân tích.

Liên quan đến những nội dung mới trong Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, một số ý kiến cho rằng với những quy định này, các hãng taxi công nghệ sẽ gần như phải chịu hoàn toàn các điều kiện của kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là không hợp lý và công bằng. Nhận định về vấn đề trên, TS Phan Lê Bình khẳng định những quy định đó là hợp lý và cần thiết. Bởi tất cả những quy định của pháp luật đều phải dựa trên quyền lợi của người dân.

Chuyên gia giao thông của JICA phân tích thêm, với những quy định mới về điều kiện kinh doanh của taxi công nghệ được đưa ra trong Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới giá thành dịch vụ. Ảnh hưởng này phản ánh trực tiếp qua đơn giá của taxi công nghệ sẽ cao hơn. Tuy nhiên, nếu đã là chi phí cần thiết để phục vụ cho dịch vụ chuyên chở hành khách và ảnh hưởng tới quyền lợi của người sử dụng dịch vụ là khách hàng thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm tạo ra hành lang pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
“Chúng ta không thể bỏ qua việc DN kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách mà không làm bảo hiểm. Thậm chí tại một số quốc gia trên thế giới người ta còn cấm không cho taxi hoạt động” - TS Phan Lê Bình cho hay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, việc quy định taxi công nghệ phải gắn “mào” để nhận diện và phân biệt với ô tô tư nhân là cần thiết nhằm tăng cường công tác quản lý đối với loại hình vận tải hành khách bằng xe taxi. Không những thế, khi taxi công nghệ được gắn hộp đèn “taxi điện tử” thì người dân cũng dễ dàng phân biệt, từ đó có thể lựa chọn dịch vụ của các hãng, các loại hình taxi phù hợp theo nhu cầu và thị hiếu của mình. “Ngoài ra, taxi công nghệ khi đeo “mào” cũng giúp lực lượng chức năng dễ dàng nhận diện, xử phạt khi phát hiện trường hợp sai phạm” - ông Thanh nói.
Cần có thêm quy định để tránh việc Grab độc quyền

Sau khi Grab mua lại Uber, gần như Grab một mình một chợ nên nguy cơ độc quyền rất cao. Do đó, bên cạnh các giải pháp trong dự thảo Nghị định 86 sửa đổi như hiện nay, nên chăng cần có thêm quy định về giá trần, giá sàn để đảm bảo minh bạch. Ngoài giá, cần khống chế cả số lượng, niên hạn của xe taxi công nghệ như taxi truyền thống.

TS Đinh Thị Thanh Bình - Đại học GTVT Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần