Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi: Thêm quá nhiều thủ tục

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - So với Nghị định 86/2014/NĐ-CP, bản Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi có tới 85 điều kiện kinh doanh ((ĐKKD) được bổ sung. Trong khi đó, chỉ có 12 ĐKKD được cắt bỏ.

Các đại biểu phát biểu ý kiến đóng góp về dự thảo Nghị định. Ảnh: Hồng Quý
Tại Hội thảo “Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Sửa Nghị định hay nhìn lại cách thực hiện Luật” diễn ra ngày 21/8, đa số ý kiến cho rằng, bản dự thảo lần này vẫn chưa đạt yêu cầu, bởi có quá nhiều ĐKKD mới được bổ sung.
Bổ sung 85 điều kiện kinh doanh

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) - TS Nguyễn Đình Cung – nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ phát sinh những xung đột gay gắt giữa mô hình truyền thống và xu hướng kinh doanh mới. Do đó, tư duy quản lý Nhà nước cũng phải theo thị trường và sự phát triển của công nghệ và những phương thức kinh doanh mới chứ không phải can thiệp bằng thủ tục hành chính.
Đối chiếu Dự thảo với Luật Giao thông Đường bộ và thực tiễn kinh doanh thì trong Luật Giao thông đường bộ có nói đến những dịch vụ hỗ trợ vận tải nhưng trong Dự thảo Nghị định lại không đề cập đến. Theo tôi, những dịch vụ hỗ trợ vận tải giúp cho dịch vụ vận tải hiệu quả hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng
Đại diện CIEM cho biết, so với Nghị định 86/2014 thì bản Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi có nhiều điểm mới như đưa ĐKKD vào định nghĩa, mở rộng phạm vi quy định về ĐKKD, bỏ một số quy định, điều kiện về màu sơn biểu trưng, niêm yết logo, trung tâm điều hành, thiết bị liên lạc, đồng phục... Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, bản Dự thảo này lại bổ sung tới 85 ĐKKD trong khi chỉ có 12 ĐKKD của Nghị định 86 được cắt bỏ. Đặc biệt, nghiên cứu của CIEM cho thấy, trong số 85 ĐKKD bổ sung có tới 21 ĐKKD được quy định là “theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT”. “Không biết là sau những quy định này còn có những quy định con, cháu, chắt gì nữa? Tuy bổ sung thêm 85 ĐKKD nhưng thực tế số ĐKKD hơn rất nhiều” - đại diện CIEM nói.

Đối chiếu với Nghị quyết 19 và Chỉ thị 20 của Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải cắt giảm 50% ĐKKD và chiếu theo Nghị định 86 và bản Dự thảo thì rõ ràng không đạt được mục tiêu và yêu cầu của Chính phủ. Trong phần kiến nghị về bản Dự thảo của CIEM có tới 19/37 điều của bản Dự thảo được đơn vị này yêu cầu sửa đổi. Đại diện CIEM nhận định, chưa nói đến chất lượng của ĐKKD bổ sung có cần thiết hay không nhưng nhìn vào bản Dự thảo này chắc chắn đang có vấn đề và cần cân nhắc lại. “Khi rà soát chúng tôi rất vất vả vì trật tự, cấu trúc của Nghị định 86 và bản Dự thảo Nghị định rất khác nhau” - đại diện CIEM cho hay.
 Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng việc bổ sung quá nhiều ĐKKD sẽ là rào cản và gánh nặng cho doanh nghiệp.Ảnh: Hồng Quý

Do quan niệm?

Ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, nguyên nhân có nhiều ĐKKD hơn Nghị định 86 là do... cách quan niệm. “Chúng tôi quan niệm thế này, khi đơn vị kinh doanh vận tải đến cấp giấy phép mà điều kiện ấy đặt ra đơn vị phải đáp ứng thì đấy là ĐKKD vận tải” - ông Ngọc nói.

Một lý do nữa được ông Ngọc đưa ra là Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 được xây dựng trên cơ sở kết hợp với rất nhiều Thông tư. Điều này là do cách xây dựng luật tạo ra. “Theo tinh thần về cách ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới thì rất nhiều quy định trước đây được đưa ra trong Thông tư giờ phải đưa vào Nghị định” - ông Ngọc cho hay.

Vụ trưởng Vụ Vận tải khẳng định, Bộ GTVT quán triệt rất rõ và nghiêm tinh thần của Chính phủ là phải cắt giảm ĐKKD. Bản thân Bộ trưởng Bộ GTVT cũng ra một quyết định về cắt giảm ĐKKD, trong đó có các ngành nghề kinh doanh vận tải. Theo ông Ngọc, có nhiều nội dung trước đây không phải ĐKKD nhưng trong bản Dự thảo lại quy định là ĐKKD để quản lý chặt chẽ hơn.
“Ví dụ điều kiện để một học sinh 12 vào trường đại học của chúng tôi là phải thi 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh đạt 27 điểm. Khi em đã vào rồi thì nội dung quản lý của chúng tôi là em có phải mặc đồng phục hay không? Có phải đi học đúng giờ hay không? Phải học những môn nào? Thì đấy là nội dung quản lý trong quá trình học đại học” - ông Ngọc dẫn dụ liên hệ với việc bổ sung thêm nhiều ĐKKD trong Dự thảo Nghị định.

Uber và Grab được gọi là vận tải hợp đồng điện tử nhưng trên thực tế hàng trăm triệu chuyến của hai hãng này thực hiện trong thời gian qua đều không có hợp đồng nào được ký kết. Về mặt bản chất kinh doanh, taxi truyền thống và Grab đều là taxi. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại chia ra thành dịch vụ taxi và xe hợp đồng điện tử để từ đó áp đặt các ĐKKD khác nhau, tạo ra sự bất công trong kinh doanh.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam Trương Đình Quý
=