Dự thảo Nghị định 86/2014 sửa đổi lần 10: Loay hoay chuyện định danh Grab

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi bản Dự thảo Nghị định 86/2014 sửa đổi lần thứ 10 ra đời, dư luận chờ đợi đây sẽ là “đáp số” cho bài toán định danh taxi công nghệ mà đại diện tiêu biểu là Grab. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại bất ngờ bỏ quy định gắn “mào” cho xe hợp đồng điện tử.

Thay đổi bất ngờ
Trước bản Dự thảo Nghị định 86/2014 sửa đổi lần thứ 10 được Bộ GTVT hoàn chỉnh, trình Thủ tướng, trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 5/5, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định như đinh đóng cột quan điểm, sẽ quy định xe hợp đồng điện tử và taxi truyền thống đều phải gắn mào để lực lượng chức năng dễ nhận biết, quản lý phương tiện lưu thông trên đường.
Người đứng đầu ngành Giao thông cho rằng, chính sách quản lý hoạt động vận tải phải đảm bảo sân chơi công bằng cho các DN trong nước, nước ngoài, nhất là giữa xe công nghệ và taxi truyền thống. Ngoài việc bắt buộc phải gắn mào để nhận diện, xe công nghệ hay taxi cũng đều phải chịu quy định về thủ tục như nhau, chẳng hạn Grab hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký, đăng kiểm, cũng như chịu trách nhiệm trực tiếp trước lái xe, hành khách... như taxi truyền thống. Ngược lại, taxi truyền thống cũng sẽ được gắn các thiết bị công nghệ phục vụ hành khách như xe hợp đồng điện tử.
 Bộ GTVT vẫn loay hoay với định danh taxi công nghệ. Ảnh: Quý Nguyễn
Tuy nhiên, mới đây, trong bản Dự thảo Nghị định 86/2014 sửa đổi lần thứ 10 trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã gây bất ngờ khi bỏ quy định bắt buộc gắn cố định hộp đèn trên nóc xe đối với ô tô chở khách dưới 9 chỗ ngồi. Thay vì phải gắn mào, các xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu “Xe hợp đồng” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe với kích thước tối thiểu là 6 x 20cm và cụm từ “Xe hợp đồng” phải được làm bằng vật liệu phản quang.
Theo lý giải của Bộ GTVT, việc sửa đổi này nhằm mục đích đảm bảo nhận diện đối với phương tiện xe kinh doanh vận tải loại hình này. Ngoài ra, Dự thảo Nghị định mới cũng có thêm một điểm mới, đó là thay vì để cho DN tự gắn phù hiệu, biển hiệu cho xe của mình, việc gắn phù hiệu sẽ được chuyển sang cho Sở GTVT các địa phương. Quy định này nhằm tránh tình trạng nhiều đơn vị vận tải được cấp phù hiệu, biển hiệu nhưng sau đó lại không thực hiện dán.
Cần định danh loại hình mới
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cho rằng, với việc bỏ quy định gắn “mào” cho xe hợp đồng điện tử trong bản Dự thảo Nghị định 86/2014 sửa đổi lần thứ 10, một lần nữa đẩy bài toán định danh đối với xe công nghệ, tiêu biểu là Grab trở về với vạch xuất phát sau rất nhiều tranh luận, bàn thảo. “Nguyên nhân rõ ràng nhất, chúng ta vẫn chưa định hình được rõ ràng taxi công nghệ thuộc loại hình vận tải nào, lúc gọi là xe taxi, lúc thì gọi là xe hợp đồng điện tử” – TS Nguyễn Hữu Đức nói.
Theo TS Nguyễn Hữu Đức, về bản chất, Grab hay gọi nôm na là xe công nghệ, có những hoạt động giống taxi nhưng có những hoạt động lại không giống. Do đó, trên thực tế, việc bỏ hay để quy định xe công nghệ phải gắn mào cũng đều không thể đảm bảo tuyệt đối 100% sự chính xác mà vấn đề đầu tiên là phải định danh được Grab thuộc loại hình nào.
“Tại sao Bộ GTVT không đặt hẳn ra một loại hình mới để gắn với Grab và đưa ra những quy định cụ thể gắn liền với loại hình này cho phù hợp” – TS Nguyễn Hữu Đức đề xuất. Ông cũng cho rằng, chính vì loay hoay trong câu chuyện định danh này mà Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định 86/2014 sửa đổi, đứng đầu là Bộ GTVT, sau rất nhiều lần dự thảo vẫn không ra vấn đề.

"Bản Dự thảo Nghị định lần thứ 10 này có nhiều nội dung trái ngược hoàn toàn với bản Dự thảo Nghị định lần thứ 9 (ngày 17/7/2019) và những nội dung này có nhiều điểm bất hợp lý, đi ngược lại hoàn toàn với cả một quá trình (hơn 3 năm) Bộ GTVT cùng rất nhiều bộ, ban, ngành, các chuyên gia, các hiệp hội… nghiên cứu xây dựng Dự thảo." - Trích Văn bản số 27 của Hiệp hội Taxi Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ


"Kinh nghiệm ở các quốc gia, mỗi nước đều quản lý khác nhau nhưng nhìn chung họ không quản lý như cách mà chúng ta đang làm. Có cái thì chặt chẽ, có cái thì linh động. Điều quan trọng nhất là họ rất kiên quyết, nếu đã quy định xe công nghệ là taxi, thì bắt buộc phải tuân thủ những điều kiện của taxi mới được hoạt động. Đó là điều không phải bàn cãi. Chủ trương của họ nhất quán, quyết liệt chứ không như chúng ta cứ loay hoay đưa ra quy định rồi lại sửa. Sửa đi sửa lại bao nhiêu lần vẫn thấy chưa ổn." - TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần