Dự thảo tiêu chí đánh giá, xếp loại học sinh: Tiến bộ nhưng chưa cụ thể

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư đánh giá, xếp loại học sinh (HS) THCS, THPT. Ngoài việc đổi mới phương án kiểm tra, đánh giá, bản dự thảo được ghi nhận đã điều chỉnh theo hướng nhân văn, hiện đại nhưng chưa cụ thể ở một số nội dung.

 Một giờ học của cô và trò trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình). Ảnh: Công Hùng
Còn thiếu tính khách quan
Những thay đổi quan trọng trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và THPT theo Thông tư số 58 là bỏ xếp loại học sinh yếu, giảm số đầu điểm, đa dạng hóa hình thức kiểm tra và xem ngoại ngữ là môn có tầm quan trọng như toán, văn trong xếp loại HS. Theo đó, dự thảo Thông tư bổ sung quy định: Nếu HS không đủ điều kiện để đạt danh hiệu HS giỏi, HS khá nhưng đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện thì được hiệu trưởng nhà trường tặng giấy khen. Dự thảo cũng sẽ bỏ việc đánh giá, xếp loại “HS yếu” tại quy định hiện hành, thay vào đó là cụm từ “cần rèn luyện thêm” đối với HS có điểm số, hạnh kiểm chưa đạt yêu cầu xếp loại từ trung bình trở lên. Một điểm mới nữa của dự thảo thông tư này là sẽ kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số với hầu hết các môn học thay vì có môn chỉ cho điểm, có môn chỉ đánh giá bằng nhận xét như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), dự thảo này đã được bổ sung những quy định cụ thể hơn so với Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT và tiếp cận cách đánh giá hiện đại. Đặc biệt, Bộ chấp nhận hình thức kiểm tra qua máy tính, bài tập hỏi đáp, chứ không chỉ một kiểu làm bài kiểm tra viết. Bên cạnh hình thức chấm điểm, còn đánh giá khuyến khích HS như: HS có tiến bộ, có cố gắng, HS thực hiện được những yêu cầu học tập... Tuy nhiên, với cách đánh giá bằng nhận xét, giáo viên sẽ thêm phần vất vả vì phải mất thời gian làm công việc này.
Cho rằng bản dự thảo ít nhiều bộc lộ nội dung chưa khách quan, theo TS Nguyễn Tùng Lâm đề nghị, để đảm bảo quyền lợi của HS, Bộ GD&ĐT nên đưa thêm quy định HS được quyền khiếu nại với những nhận xét của thầy cô khi cảm thấy chưa thật đúng, thỏa đáng. Như thế sẽ khách quan, bảo đảm quyền dân chủ của người học; tránh được tình trạng giáo viên trù úm, thành kiến với học trò.
Cần có giới hạn bài kiểm tra để tránh tùy tiện
Luận bàn về dự thảo, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, HS đi học thì phải có đánh giá để các em phấn đấu. Vấn đề là Bộ GD&ĐT đưa ra các quy định đánh giá đừng quá phức tạp, gây ra những căng thẳng. Đánh giá, xếp loại HS bằng nhận xét (định tính) và bằng điểm (định lượng) là hai hình thức bổ sung cho nhau, giúp HS biết được mình đang ở mức độ nào để tiếp tục phấn đấu. Kết hợp hai hình thức đánh giá, xếp loại cho HS THCS và THPT trong các hoạt động của các em là điều tốt. Nhưng vấn đề là người thầy phải có đạo đức, khách quan; nếu không, kể cả đánh giá bằng định tính và định lượng sẽ dẫn đến sai lệch.
Đánh giá dự thảo đã có nhiều tiến bộ nhưng bà Vũ Thị Phương Anh – Phó Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho rằng, giáo viên sẽ bị “gây khó” khi chấm điểm các bài tập lớn theo chủ đề. Đối với bậc THPT, Bộ GD&ĐT có điều chỉnh nhưng thang chấm điểm 10 vẫn phải duy trì là mục tiêu rất lớn. “Theo tôi, các bài tập lớn hay chủ đề HS nghiên cứu, không cần phải chấm điểm kỹ. Bởi vì có những chủ đề rất rộng, rất khó quy ra thang điểm, giáo viên không biết chấm thế nào, trong khi mỗi HS lại làm theo một hướng khác nhau. Thay vào đó, nên theo nhận xét: HS làm tốt/HS đã biết nghiên cứu... Còn các bài kiểm tra thông thường, giáo viên vẫn cho điểm để HS phấn đấu” – bà Phương Anh đưa giả thiết.
Về nội dung yêu cầu đánh giá định kỳ, theo bà Phương Anh, bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ dứt khoát phải làm. Kiểm tra, đánh giá thường xuyên tùy từng vùng miền. Ví dụ, các môn học xã hội, ở các TP có điều kiện thiết bị tốt, rất nhiều bảo tàng, HS có thể đến đó trải nghiệm và làm bài tập, giảm bớt bài kiểm tra. Nhưng ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện máy tính để vào mạng, các thầy cô tăng cường cho bài kiểm tra dựa vào sách giáo khoa, có chấm điểm. Đối với các môn tự nhiên, HS không thể nghiên cứu nhiều đề tài được, Bộ có thể cố định cho cứng 2 bài để các trường làm tốt. 

Việc sửa đổi bổ sung một số điều trong Thông tư 58 là bước đệm, để tiếp cận dần với Chương trình GDPT 2018. Điều này giúp HS của chương trình hiện hành cũng được thụ hưởng những ưu điểm chương trình giáo dục coi HS là trung tâm, giáo dục vì sự tiến bộ của HS, giáo dục định hướng phát triển phẩm chất năng lực cho người học.

Đồng thời, sự điều chỉnh này giúp giáo viên, cán bộ quản lý chuyển dần từ việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo cách tiếp cận nội dung (kiến thức, kỹ năng), sang định hướng hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực người học. Khi áp dụng chương trình GDPT mới, thầy cô sẽ không bỡ ngỡ mà có kinh nghiệm để khi triển khai hiệu quả hoạt động kiểm tra đánh giá này.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành

Bộ GD&ĐT nên có giới hạn số bài kiểm tra đánh giá thường xuyên theo quy định tối đa và tối thiểu. Nếu Bộ nói không giới hạn số bài kiểm tra, đánh giá HS, tùy theo điều kiện dạy học, yêu cầu học tập thì rất vô cùng, dẫn đến ví dụ HS trường này thực hiện 100 bài/năm học nhưng HS trường khác chỉ phải làm 5 bài sẽ không công bằng cho các em.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ

Khi chương trình giáo dục phổ thông mới thay đổi, phát huy năng lực của từng HS cũng cần đi sâu vào đánh giá bằng nhận xét. Vì thế, rất mong Bộ GD&ĐT có những quy định cụ thể, rõ ràng để các nhà trường, giáo viên thực hiện tốt, đánh giá đúng chuẩn.

Phó Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Thị Điểm Vũ Thị Phương Anh