Dự thảo tiêu chuẩn chức danh GS, PGS: Vẫn còn những quy định chưa phù hợp

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận xét về dự thảo quy định tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS), GS.TSKH Lương Xuân Quỳ - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, các tiêu chí được nâng cao hơn và theo hướng hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo rất cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Theo GS.TSKH Lương Xuân Quỳ, dự thảo tiêu chuẩn chức danh GS, PGS do Bộ GD&ĐT xây dựng đang được lấy ý kiến, tại Điều 17 quy định "nhiệm vụ của Hội đồng GS ngành, liên ngành giúp Hội đồng GS nhà nước xác định năng lực chuyên môn, kết quả nghiên cứu và năng lực ngoại ngữ của ứng viên theo ngành". Quy định mang tính pháp nhân chỉ là cơ quan giúp việc khiến trách nhiệm xã hội của từng thành viên trong hội đồng bị giảm đi rất nhiều, trong khi các công việc phải làm vẫn như hiện nay. Vì thế, dự thảo nên bỏ chữ “giúp” để Hội đồng Chức danh GS ngành, liên ngành thực sự là cấp sàng lọc thứ hai, trước khi danh sách ứng viên được chuyển lên Hội đồng Chức danh GS nhà nước xem xét, công nhận. Tuy nhiên, cần làm rõ trách nhiệm, tiêu chí của thành viên trong hội đồng cấp trung gian.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Về việc nhiều người băn khoăn khi Hội đồng Chức danh GS ngành, liên ngành có cả PGS xét duyệt cho ứng viên GS, theo GS Quỳ thì vẫn có thể được. Nếu trong trường hợp hội đồng không đủ số GS để xét duyệt cho ứng viên GS theo ngành và chuyên ngành, họ có quyền mời chuyên gia bên ngoài đánh giá. Khi đó, thành viên PGS nghe những phản biện của chuyên gia và với trách nhiệm của mình cũng như căn cứ vào các tiêu chuẩn do Nhà nước quy định để bỏ phiếu. Thực tế, từ trước đến nay vẫn làm như vậy, chứ không nhất thiết câu nệ tất cả GS phải bỏ phiếu cho ứng viên GS.
So với quy định hiện hành, dự thảo tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đã nâng quy định số công trình nghiên cứu khoa học cho ứng viên GS, PGS thuộc các phân nhóm khác nhau và được tăng theo lộ trình từng năm. Tại Điều 7 Tiêu chuẩn chức danh GS, Khoản 4, Điểm a quy định: Từ ngày 1/1/2019, ứng viên thuộc phân nhóm Khoa học Tự nhiên là tác giả chính đã được công bố ít nhất 3 bài báo khoa học. Ứng viên thuộc phân nhóm Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ và nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn là tác giả chính đã công bố được ít nhất 2 bài báo khoa học. Ứng viên thuộc nhóm Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ và nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn không đủ 2 bài báo khoa học thì phải có ít nhất 1 bài báo khoa học và 1 quyển hoặc 1 chương sách phục vụ đào tạo do một nhà xuất bản có uy tín thế giới xuất bản; hoặc có ít nhất 1 bài báo khoa học và 1 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp khoa học, công nghệ hữu ích. Góp ý cho quy định này, ông Quỳ bổ sung: Trong điểm a này nên nói rõ bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín nằm trong danh mục ISI, Scopus. Công trình khoa học có giá trị thế giới nhưng cũng phải thiết thực đối với Việt Nam. Đặc biệt, giá trị cho đất nước phải được nhấn mạnh khi đánh giá chấm điểm cho công trình khoa học. Cũng không nên đưa vào dự thảo cụm từ “tác giả chính” “chủ biên chính” khi “có 2 người trở lên đứng tên mà thay bằng cụm từ “đồng tác giả”, “đồng chủ biên” để cùng có trách nhiệm như nhau đối với công trình, cuốn sách.
Tại Điều 6, Khoản 4 quy định tiêu chuẩn chung chức danh GS, PGS sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh trong chuyên môn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, yêu cầu ứng viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế TOEFL IBT với điểm tối thiểu là 65 hoặc IELTS với điểm tối thiểu 5.5 là quá thấp cần được nâng lên. Tại Điều 13, Khoản 1 quy định việc thành lập Hội đồng GS tại cơ sở giáo dục đại học là: “Hằng năm, căn cứ nhu cầu xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, hiệu trưởng quyết định việc thành lập Hội đồng GS cơ sở” nên được điều chỉnh theo hướng: Hiệu trưởng tham vấn hội đồng khoa học và đào tạo lập ra một danh sách theo tiêu chuẩn quy định đối với các thành viên hội đồng, sau đó sẽ chuyển lên Hội đồng Chức danh GS nhà nước phê duyệt.
Và, để chất lượng GS, PGS ngày càng được nâng lên, dự thảo cần quy định rõ tiêu chuẩn thành viên hội đồng các cấp, riêng về tiêu chuẩn ngoại ngữ, công bố khoa học thì bằng hoặc cao hơn ứng viên GS, PGS. Và, ứng viên GS phải có thời gian 6 năm làm PGS để có điều kiện tham gia đầy đủ các công việc và có độ chín, thay vì quy định 3 năm như trong dự thảo là qúa ngắn. Tất nhiên, đối với những người có thành tích khoa học xuất sắc thì thời gian được rút ngắn đi…