Dự trữ dầu của Mỹ tăng ít hơn dự báo, giá dầu thế giới nhảy vọt gần 13%

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu phục hồi trong ngày 29/4 sau khi dự trữ của Mỹ tăng ít hơn so với dự báo và hy vọng về nhu cầu phục hồi nhờ một số nước châu Âu nới lỏng lệnh phong tỏa.

Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 47 xu Mỹ, tương đương 2,30%, lên mức 20,93 USD/thùng sau khi tăng mạnh lên tới 21,60 USD/thùng ở đầu phiên giao dịch. Giá mặt hàng dầu này giao tháng 7 cũng nhích thêm 22 xu Mỹ, tương đương 0,97%, lên 22,96 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ nhảy vọt 1,55 USD, khoảng 12,56%, lên mức 13,89 USD/thùng sau khi sụt giảm 27% trong 2  phiên giao dịch đầu tuần này.
 Giá dầu phục hồi trong phiên 29/4.
Theo báo cáo được Viện Dầu khí Quốc gia Mỹ (API) công bố ngày 28/4, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 24/4 đã tăng 10 triệu thùng, lên 510 triệu thùng, ít hơn mức dự báo tăng 10,6 triệu thùng của giới phân tích. Thị trường sẽ tiếp nhận báo cáo hàng tuần khác về dự trữ dầu thô của Mỹ, được Bộ Năng lượng nước này công bố vào cuối ngày 29/4 (giờ địa phương phương).
“Giá dầu ngọt nhẹ WTI phục hồi mạnh nhờ thông tin về lượng dự trữ dầu của Mỹ tốt hơn mong đợi” – báo cáo của JBC Energy cho hay.
Rystad Energy ước tính sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng lên 300.000 thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6 tới.
Các nhà chức trách bang Texas, nơi sản xuất dầu lớn nhất của Mỹ, dự kiến sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến vào ngày 5/5 tới về việc cắt giảm sản lượng. Trong khi đó, giới chức bang North Dakota và Oklahoma cũng đang xem xét các phương án cho phép cắt giảm sản lượng một cách hợp pháp.
“Tia hy vọng cho đà phục hồi của giá dầu ngọt nhẹ WTI có thể xuất hiện trong tuần tới” – nhà phân tích thị trường Jeffrey Halley tại OANDA cho biết.
Việc cân nhắc giảm nguồn cung của Mỹ sẽ củng cố thêm nỗ lực cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng dầu/ngày (tương đương khoảng 10% sản lượng toàn cầu) trong tháng 5-6/2020 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn khác, gồm có Nga, còn gọi là nhóm OPEC+.
Bên cạnh đó, giới thương nhân kỳ vọng rằng việc nhiều TP tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 sẽ góp phần cải thiện nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.
“Tín hiệu lạc quan đối với triển vọng nhu cầu dầu mỏ là các kế hoạch nới biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, đặc biệt là tại các nước lớn ở  châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp, Áo và Thụy Sĩ” - ông Lachlan Shaw - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Ngân hàng Quốc gia Australia tại Melbourne nhận định.
Tại châu Âu, Pháp đã trở thành quốc gia lớn mới nhất bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường. Sau khi công bố kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa bắt đầu từ ngày 11/5, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 28/4 cho biết các cửa hàng có thể mở cửa trở lại từ ngày 11/5, song người dân vẫn nên tiếp tục làm việc tại nhà.
Tuy nhiên, Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody ngày 28/4 đã hạ các mức dự báo về giá dầu thế giới, cho rằng mức giá trung bình của dầu WTI sẽ vào khoảng 30 USD/thùng trong năm 2020 và 35 USD/thùng năm 2021, do sự suy thoái kinh tế toàn cầu đè nặng lên nhu cầu “vàng đen” và nguồn cung dồi dào cũng gây áp lực đối với thị trường nhiên liệu trong năm 2021./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần