Du Xuân về miền di sản Ba Vì

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu năm, du khách nô nức trẩy hội Xuân về miền di sản Ba Vì. Bởi từ trung tâm Thủ đô, ...

Kinhtedothi - Đầu năm, du khách nô nức trẩy hội Xuân về miền di sản Ba Vì. Bởi từ trung tâm Thủ đô, xuôi theo hướng Tây Bắc chưa đầy 60km, khách tham quan được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, di tích lịch sử có giá trị và nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Sở hữu lượng di tích dày đặc

Với bề dày lịch sử, Ba Vì là nơi có hơn 600 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 97 di tích được xếp hạng, nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị đặc biệt như: Cụm di tích Đền Thượng - Đền Trung - Đền Hạ thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh; Đình Tây Đằng - di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, Đình Thụy Phiêu được các nhà khoa học đánh giá là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam có niên đại từ năm 1531 - thời Nhà Mạc; Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích lịch sử K9 (nơi lưu giữ những kỷ vật liên quan đến Bác Hồ khi Người ở đây) cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa có giá trị khác.
Toàn cảnh hồ Tiên Sa, Ba Vì.  Ảnh: Quang Ngọc
Toàn cảnh hồ Tiên Sa, Ba Vì. Ảnh: Quang Ngọc
Sở hữu nhiều giá trị di sản đặc biệt, nhưng Ba Vì được nhắc đến nhiều nhất ở hơn 100 điểm di tích gắn với giai thoại Tản Viên Sơn Thánh. Về với miền du lịch tâm linh thờ Đức Thánh Tản, du khách sẽ được viếng thăm đình Tây Đằng, đình Quang Húc, đình Đông Viên, đình Thanh Lũng, đền Trung Cung, rồi tiếp bước đến cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ trên đỉnh núi Ba Vì thuộc địa phận 2 xã Minh Quang và Ba Vì - nơi phát tích của truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, cũng như tục thờ Tam Vị Tản Viên. Hàng năm, gần đến ngày rằm tháng Giêng, người dân khắp nơi lại hành hương về núi Ba Vì dự lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh tưởng nhớ một vị thánh gắn liền với một bản tráng ca và tình ca bất hủ chống thiên tai, thủy tặc của người Việt. Du khách đến Ba Vì cũng để phần nào còn tưởng tượng quang cảnh “Trên đỉnh non Tản” vẫn đầy bí ẩn, huyễn hoặc như trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân từng viết: “Đứng ở mái nam Đền Thượng mà nhìn xuống thấy được cả khói từ Hoàng Thành Thăng Long, và biết được dải Đà Giang là có thế hiếm”.

Chú trọng đầu tư tu bổ

Di tích qua thời gian đã dần xuống cấp. Chính vì vậy, UBND huyện Ba Vì luôn chú trọng quan tâm đầu tư cho công tác tu bổ di tích. Theo ông Bạch Công Tiến – Chủ tịch UBND huyện Ba Vì: “Các di tích trên địa bàn huyện hầu hết được xây dựng từ rất lâu, nên qua thời gian di tích xuống cấp. Có di tích đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Trong những năm gần đây, bên cạnh sự hỗ trợ của T.Ư và TP, UBND huyện Ba Vì tổ chức kêu gọi xã hội hóa nên việc trùng tu và tôn tạo các di tích cũng đã tương đối khởi sắc, nhiều di tích đã được trùng tu tôn tạo, đảm bảo giữ nguyên giá trị của di tích gốc. Ví như trong những năm qua, Ba Vì đã đầu tư tu bổ tôn tạo cum di tích văn hóa đền Thượng – đền Trung – đền Hạ. Tổng mức đầu tư là 127 tỷ đồng”.
Múa Quạt trong Hội Xuân tại Ba Vì. 	Ảnh: Trần Cường
Múa Quạt trong Hội Xuân tại Ba Vì. Ảnh: Trần Cường
Hiện nay, huyện Ba Vì còn nhiều di tích chưa được quan tâm trùng tu. Theo kế hoạch, hàng năm UBND huyện sẽ dành một phần kinh phí để hỗ trợ công tác tu bổ, chống xuống cấp. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường kêu gọi xã hội để thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích đang xuống cấp. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng tiếp tục tranh thủ sự quan tâm của TP bằng chương trình hỗ trợ đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích. “Hiện nay, Ba Vì đang triển khai trùng tu một số di tích, như di tích đình Thanh Lũng (xã Tiên Phong) và một số di tích khác. Ba Vì đang đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020, hoàn thành cơ bản việc trùng tu những di tích trọng điểm, được xếp hạng cấp quốc gia và TP” – ông Bạch Công Tiến chia sẻ.

Mở hội đón khách

“Đến hẹn lại lên” vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, người dân Ba Vì mở hội tưởng nhớ Đức Thánh Tản. Trải qua thời gian, nhiều nghi thức truyền thống của lễ hội bị thất truyền, mai một. Thế nhưng, với quyết tâm cao, đến nay nhiều giá trị vật thể và phi vật thể vốn có của di tích được khôi phục, lễ hội được đầu tư lên cấp vùng. Chính vì vậy, 3 tháng diễn ra lễ hội, hàng chục nghìn du khách đã về hành hương cùng lễ hội, ngắm vẻ đẹp núi rừng hùng vĩ, chiêm nghiệm tấm lòng mến khách của bà con nơi đây.

Năm 2016, UBND huyện Ba Vì tổ chức khai hội Tản Viên Sơn Thánh, kết hợp với khai trương du lịch Ba Vì và phát động Tết trồng cây Xuân Bính Thân 2016 tại khu di tích lịch sử văn hóa đền Hạ (xã Minh Quang). Đây là năm thứ 2, lễ khai hội được tổ chức kết hợp cùng lễ khai trương du lịch Ba Vì đã thể hiện bước đột phá lớn trong công tác quản lý và khai thác tiềm năng du lịch của huyện nhà, phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa tâm linh. Để rồi từ đó thúc đẩy các hoạt động của các đơn vị Du lịch Ao Vua, du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà, Du lịch Đầm Long, Vườn quốc gia Ba Vì, Hồ Tiên Sa; Du lịch Long Việt; Nhà nghỉ công đoàn Suối Hai; du lịch Cao Sơn… thêm phần hiệu quả.

Ông Bạch Công Tiến cho biết: “Hiện nay, UBND huyện đã giao cho lực lượng công an đảm bảo an ninh trật tự lễ hội, đưa ra các phương án bảo vệ an toàn giao thông, không để ùn tắc, gây tai nạn, không được để xảy ra hiện tượng chèo kéo du khách trong lễ hội… Chúng tôi yêu cầu các đơn vị có liên quan tuyệt đối không để cho những hoạt động mê tín, dị đoan, buôn thần bán thánh và tiêu cực khác ảnh hưởng đến lễ hội. Tuyên truyền sâu rộng cho du khách đi hành lễ bằng cái tâm của mình và để tìm hiểu về các ngôi đền truyền thống để có những thanh tịnh về cái tâm của mình, làm cho cái tâm của mỗi con người trở nên trong sáng hơn. Chính vì vậy, chúng tôi tin tưởng du khách sẽ được hưởng một mùa hội an toàn khi du Xuân về miền đất Tản Viên Sơn Thánh”.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh sẽ được truyền hình trực tiếp trên Kênh 1 của Đài phát thanh truyền hình Hà Nội từ lúc 9 giờ ngày 21/2 (tức 14 tháng Giêng năm Bính Thân tại đền Hạ xã Minh Quang). Buổi lễ sẽ có nhiều điểm nhấn trong đó có hoạt động hấp dẫn như: Đánh trống khai hội, cắt băng khai trương du lịch, khen thưởng, biểu diễn các trò chơi dân gian đặc sắc vùng núi Tản dâng hương và thụ lộc…

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần