Du xuân về miền quan họ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo và tiêu biểu, thể hiện truyền thống...

Kinhtedothi - Là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo và tiêu biểu, thể hiện truyền thống văn hóa lâu đời của quê hương Kinh Bắc, lễ hội Lim (Bắc Ninh) luôn mời gọi rất đông du khách về miền quan họ. Lễ hội Xuân 2015 này cũng vậy.

Bên một “canh hát”

Năm nay, Ban Tổ chức lễ hội Lim 2015 đã cho dựng 5 lán hát quan họ trên đồi Lim, cùng với đó là các chương trình hát quan họ dưới thuyền, hát cửa đình. Tuy nhiên, nhiều người trẩy hội Lim lại “mê” nghe hát quan họ tại nhà các nghệ nhân hơn cả. 
Theo NSƯT Nguyễn Thị Lệ Ngải (65 tuổi), người từng có nhiều năm công tác tại Đoàn Quan họ tỉnh Bắc Ninh, hầu như ở xã nào cũng có CLB quan họ. Hàng năm, những CLB này tổ chức các lớp đào tạo, mời nghệ nhân quan họ có tên tuổi về truyền dạy cho những người trẻ yêu thích loại hình nghệ thuật này. Ở Bắc Ninh, từ cấp tiểu học đến THPT, và cả ĐH, CĐ đều có các chuyên đề giảng dạy về quan họ nhằm giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.

19 giờ ngày 12 tháng Giêng, căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Năng Dụ (80 tuổi) - người có công trong việc phục dựng và phát triển lại các làn điệu quan họ Bắc Ninh, đông vui hơn hẳn ngày thường. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, gia đình tổ chức mời nghệ nhân đương thời về hát tại nhà. Không bán vé, không câu nệ, bất cứ ai, từ bạn bè, xóm giềng tới du khách vãng lai về hội Lim, đều có thể tham dự. Rất đông du khách đã đến từ sớm để được nghe 4 nghệ nhân trình diễn những tinh hoa của kỹ thuật hát quan họ Kinh Bắc “có một không hai”.

Trong không gian tĩnh lặng, người nghe như đắm mình trong làn điệu quan họ tha thiết, ngọt ngào của các nghệ nhân. Điều đáng nói, cuộc vui không chỉ có người già, trung niên, mà còn có cả những nét mặt hân hoan của người trẻ. Nán lại một canh hát đêm, chúng tôi đã gặp những khuôn mặt háo hức của nhóm sinh viên khoa Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhìn những khuôn mặt trẻ trung ấy có thể cảm nhận được sức hút của quan họ Bắc Ninh vẫn đong đầy trong hôm nay. Đại tá Vũ Hồng Trường - nguyên cán bộ Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân chia sẻ, năm nào ông cũng cùng gia đình về với hội Lim để được nghe quan họ “chính gốc”. Với ông, cái thú nghe quan họ chỉ thực sự đi vào lòng người khi “ngự” tại nhà dân - nơi con người được lắng đọng trong không gian quan họ không bị pha tạp bởi những âm thanh nhốn nháo không thể tránh khỏi nơi lễ hội đông người. 

Bắt đầu từ sau bữa cơm tối, cho tới giữa đêm, canh hát mới “giã bạn”. Ai nấy bùi ngùi ra về mà lòng ngẩn ngơ nuối tiếc những câu hát và không quên nhắn gửi câu hẹn gặp gỡ ở mùa sau.

Tương tư nụ cười

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, so với một số loại hình như ca trù, ví dặm, tính “trầm tích” của quan họ không bằng, nhưng dân dã, giai điệu cũng rộn ràng, tươi vui, lời ca đẹp và khả năng tiếp cận thì dễ hơn rất nhiều. Chẳng vậy mà trong những ngày đầu năm mới, lễ hội Lim trở thành điểm đến trên hành trình du Xuân của hàng vạn du khách thập phương.

 
Liền anh, liền chị hát quan họ tại gia đình ông Nguyễn Năng Dụ. 	Ảnh: Lâm nguyễn
Liền anh, liền chị hát quan họ tại gia đình ông Nguyễn Năng Dụ. Ảnh: Lâm nguyễn
So với một vài mùa lễ hội trước, công tác quản lý, đảm bảo trật tự an ninh tại lễ hội Lim 2015 được chuẩn bị khá chu đáo. Thượng úy Trịnh Bá Trung (Công an huyện Tiên Du) cho biết, lễ hội Lim 2015 được tổ chức trùng với lễ hội Chọi trâu tại TP Bắc Ninh, nên lượng khách đông hơn hẳn. Cán bộ, chiến sĩ được phân công, túc trực liên tục từ 6 giờ sáng tới khi các canh hát “giã bạn”, để đảm bảo trật tự an ninh, nhắc nhở các hàng quán bày bán không đúng nơi quy định; phân luồng giao thông trên các trục đường dẫn vào khu vực diễn ra lễ hội. Ông Nguyễn Hữu Biển – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ làng Lim, thành viên Ban Tổ chức lễ hội, cũng cho hay, hội Lim 2015 vẫn được tổ chức theo nghi thức truyền thống bao gồm 2 phần: Tế lễ tại khu lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn, chùa Hồng Ân. Phần hội bao gồm các trò chơi dân gian nhảy bao bố, đập niêu, đu tiên… và hát quan họ. Một số hình thức hát nhạc mới như chèo, chầu văn, đặc biệt là việc sử dụng thiết bị âm thanh có công suất lớn đều bị cấm.

Dẫu vậy, theo ghi nhận của phóng viên, hội Lim 2015 vẫn còn không ít hình ảnh “chướng tai gai mắt”. Thay cho hiện tượng quan họ “ngửa nón xin tiền” bị phê phán những năm trước, các hòm công đức được đặt phía trước các lán hát xin lộc của du khách. Tuy nhiên, cố hữu vẫn là chuyện liền anh, liền chị têm trầu cánh phượng, bê đi mời du khách với giá… tùy tâm. Bên cạnh nhiều trò chơi truyền thống, một số trò “đỏ đen” có tên rất “Tây” như “Bắn súng kiểu Mỹ” cũng “đường hoàng” diễn ra tại lễ hội. Dịch vụ cho thuê khăn xếp áo the, kèm chụp ảnh lưu niệm, ký họa chân dung, xin chữ tài lộc, xem bói đầu năm… cũng sôi động. Điều đáng nói là không ít du khách bị chèo kéo vào những hoạt động này, dù không có nhu cầu. Như chia sẻ của nhiều du khách, hát quan họ tại đồi Lim không để lại nhiều ấn tượng do hệ thống loa từ các quầy hàng dịch vụ, âm thanh pha tạp tại lễ hội lấn át tiếng hát của các nghệ nhân. Đặc biệt, tình trạng hàng quán bày bán la liệt, chiếm lối đi của du khách vẫn diễn ra phổ biến...

Diễn ra từ 12 - 15 tháng Giêng Âm lịch (tức 2 – 5/3), lễ hội Lim 2015 thực sự là điểm hẹn không chỉ của người Bắc Ninh, mà còn của đông đảo du khách thập phương. Tuy nhiên, quan họ có đến được trọn vẹn và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách hay không là điều Ban Tổ chức lễ hội vẫn cần suy ngẫm.