Du Xuân về miền văn hóa tâm linh

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếng chuông chùa điểm thời khắc giao thừa, chuyển giao năm cũ và năm mới là lúc dòng người tấp nập tiến về ban thờ của các ngôi chùa Quán Sứ, Trấn Quốc, chùa Láng, chùa Hà, Tảo Sách, Vạn Niên, Kim Liên, Bà Đá, tổ đình Phúc Khánh... và cả các đền phủ khác như Phủ Tây Hồ, Thăng Long tứ trấn, đền La Khê... để thỉnh cầu, ước nguyện như một nét văn hóa trong ngày đầu Xuân.

Lễ hội chùa Hương 2018. Ảnh: Lân Hoàng
Linh thiêng lễ Phật
Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, từ chiều 30 Tết, các chùa đã rộng cửa đón lòng thành kính của khách thập phương đến chiêm bái, lễ Phật. Nhiều ngôi chùa nổi tiếng của Hà Nội đều chật kín người đến lễ lúc giao thừa và những ngày đầu năm mới. Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ) vốn là điểm tâm linh không chỉ thu hút người dân Hà Nội mà cả người dân các tỉnh, do vậy di tích này quanh năm đông khách. Dù thời điểm giao thừa Ban quản lý di tích không mở cửa song nhiều người dân trong vùng vẫn đến vái vọng từ ngoài vào.
Hàng năm, từ 5 giờ sáng mùng Một Tết, Phủ Tây Hồ bắt đầu mở cửa cũng là lúc người dân nườm nượp tới đây. Bởi vì, đến Phủ Tây Hồ, khách thập phương không những là để tỏ lòng thành kính, thực hiện một nghi thức tâm linh… mà còn là để thư giãn tinh thần, thăm một cảnh đẹp, có nước mây thoát tục, một danh thắng hiếm có ngay giữa lòng Thủ đô Kẻ Chợ, gặp một chút xưa giữa nay và tạm lắng nay lại để man mác cùng xưa, ru hồn mình vào mong ước tốt đẹp. Đến Phủ còn là điều tốt đẹp cho những ai ít có điều kiện và thời gian đến những nơi xa xôi như Phủ Giầy (Nam Hà), Yên Tử (Quảng Ninh), Chùa Tiên (Lạng Sơn), Kiếp Bạc (Hải Hưng), Non Nước (Ninh Bình) hoặc những danh lam thắng cảnh xa xôi hơn nữa…
Hà Nội ngày đầu Xuân, người dân còn nhẹ bước chân đến đền Quán Thánh (quận Ba Đình) - nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ; chùa Quán Sứ - một trong những địa điểm không thể thiếu của hồn thiêng Hà Nội, mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến.
Tương tự, chùa Hà (quận Cầu Giấy) luôn tấp nập người tới chiêm bái, lễ Phật vào thời điểm giao thừa và những ngày đầu năm. Nếu như, những ngày rằm, mùng Một hàng tháng, chùa Hà đông đúc đón nhận nhiều khách hành hương, những đôi bạn trẻ, các chàng trai chưa vợ, cô gái chưa chồng đến dâng lễ mong tìm được một nửa tình duyên còn lại, có những đôi lứa đang yêu nhau cũng đến chắp tay thành kính cầu cho tình duyên trăm năm hạnh phúc; thì đến ngày đầu năm mới, chùa Hà trở về vẻ tĩnh lặng, trả đúng không gian của di sản cổ kính. Người đến lễ chùa đầu năm chủ yếu để cầu mong một năm mới bình an, sức khỏe, công việc…
Chùa Trấn Quốc. Ảnh: Chiến Công

Lên chùa cầu gì?

Như một thói quen, sáng mùng Một Tết, sau khi làm mâm cơm, thắp hương bàn thờ gia tiên, bà Hồng Liên (73 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại cùng con cháu đi lễ chùa. Bà Liên chia sẻ: Chúng tôi thường cùng gia đình, bạn bè đi lễ ở chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh và phủ Tây Hồ… những nơi được coi là linh thiêng của đất Hà Thành để lễ tạ coi như lời tri ân với năm cũ và ước nguyện cho năm mới được bình an, hạnh phúc. Đất trời vào Xuân, hòa cùng dòng người đi lễ, đến với chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao bộn bề trong cuộc sống mưu sinh, tôi thấy lòng mình thật nhẹ nhàng, thanh thản.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Đi chùa thứ nhất là lễ bái (thân, tâm, khẩu phải trang nghiêm). Thứ hai là cúng dường (mình bỏ tiền công đức giúp đỡ chùa; vấn đề này tùy tâm, tùy hoàn cảnh chứ không đánh giá cái tâm qua ít nhiều. Thứ ba là giác ngộ (xám hối, hướng đến chân lý cơ bản). Thứ tư là cầu may (hiểu đơn giản đó là ngũ công đức mình cầu cho kiếp sau: Hình tướng đẹp, giọng nói hay, nhiều của cải, sinh ra ở nơi cao sang và lúc mất được lên với trời). Thứ năm là du ngoạn (đến chùa để giải trí, thanh tịnh, thoải mái tâm hồn), người đến với Phật không phải để cầu xin ban phát những điều tốt cho mình mà để tìm đến những giáo lý của Phật giáo để phải tự xuất phát từ bản thân mình làm những việc thiện thì mới mong tự nhận lại cho mình những điều tốt đẹp.

“Ngày xưa lên chùa, người ta đều có tâm niệm cầu cho sự siêu thoát của những người đã khuất và cầu sức khỏe, may mắn cho gia đình, bạn bè, cầu cho quốc thái dân an. Đình, đền, chùa còn là nơi hội tụ các lễ hội văn hóa truyền thống của các vùng. Người ta lên chùa còn để gặp gỡ, giao lưu đàm đạo chuyện thơ phú chứ không chỉ đơn giản lên chùa vì tâm linh” – nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh.

Dù quan niệm lên chùa mỗi thời mỗi khác, có nét đẹp và cũng có những “biến tướng” nhưng rõ ràng đi lễ đầu năm là truyền thống lâu đời và trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống tâm linh của người Việt Nam mỗi độ Tết đến, Xuân về. Phong tục này đã thấm nhuần vào sâu trong tâm trí của mỗi người dân, để rồi khi không khí Tết ùa về, mọi người lại chuẩn bị sắm sửa lễ quả, cùng gia đình bạn bè, nguời thân nô nức đến các nơi thờ phụng linh thiêng.