Đưa chế phẩm sinh học vào xử lý môi trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, việc xử lý nước thải tại các khu công nghiệp (KCN) là vấn đề thu hút...

Kinhtedothi - Những năm qua, việc xử lý nước thải tại các khu công nghiệp (KCN) là vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của xã hội. Giải quyết triệt để các vấn đề về nước thải với chi phí hợp lý nhất chưa bao giờ là bài toán dễ. Đây cũng là thách thức lớn đối với các cơ sở xử lý nước thải hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội.

Trung bình thải ra 2.600m3/ngày

KCN Quang Minh nằm trên địa bàn huyện Mê Linh, hiện có 137 DN hoạt động, với đa dạng các loại hình sản xuất cơ khí, dệt may, thực phẩm, hóa chất… Trung bình tổng lượng nước thải ra từ các nhà máy, xí nghiệp thuộc KCN lên tới 2.600m3/ngày. Từ khi KCN Quang Minh đi vào hoạt động, một nhà máy xử lý nước thải cũng đã được vận hành. Tuy nhiên, chi phí để xử lý lượng nước thải này khá cao. Cùng với đó là một số vấn đề môi trường mới phát sinh trong quá trình xử lý như lượng bùn thải, ô nhiễm khí… trở thành bài toán khiến lãnh đạo KCN phải "đau đầu".

 
Kiểm tra mẫu nước sau xử lý bằng vi chất dinh dưỡng hữu cơ biologic.
Kiểm tra mẫu nước sau xử lý bằng vi chất dinh dưỡng hữu cơ biologic.
Ông Nguyễn Khắc Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển hạ tầng Nam Đức - chủ đầu tư KCN Quang Minh cho biết, để xử lý triệt để toàn bộ lượng nước thải của KCN, đơn vị đã cho xây dựng Nhà máy xử lý nước thải riêng với công suất 3.000m3/ngày/đêm. Chất lượng nước đầu ra sau khi xử lý vẫn đảm bảo các thông số theo Quy chuẩn Việt Nam 40/2011-QCVN. Tuy nhiên, lượng bùn thải ra ngoài rất lớn. Do đó, đơn vị phải ký hợp đồng với các công ty môi trường để vận chuyển đi xử lý tiếp tại các khu xử lý chất thải rắn công nghiệp với chi phí không nhỏ.

Giữ sạch môi trường,hiệu quả kinh tế

Mới đây, lãnh đạo KCN đã tiếp cận thêm một bước về mặt công nghệ xử lý môi trường. Đó là việc ứng dụng vi chất dinh dưỡng hữu cơ có tên gọi là "biologic". Đây là một chế phẩm sinh học có nguồn gốc 100% tự nhiên, có tác dụng thúc đẩy quá trình thủy phân, trao đổi chất của nhóm vi khuẩn kỵ khí tùy ý, hỗ trợ nhóm vi khuẩn này chuyển đổi các chất hữu cơ có sẵn trong nước thải thành khí không mùi, CO2 và nước. Theo ông Nguyễn Khắc Sơn, sau một thời gian ứng dụng vi chất dinh dưỡng hữu cơ biologic, hiệu quả ban đầu về xử lý nước thải đã thấy rõ. Hạch toán kinh tế sơ bộ quá trình xử lý nước thải tại KCN Quang Minh cho thấy, quá trình xử lý nước thải với sự bổ sung của chế phẩm sinh học "biologic" giúp tiết kiệm chi phí thông qua việc thúc đẩy quá trình xử lý mà không cần nâng cấp, mở rộng hay bổ sung thiết bị xử lý nước thải, giảm chi phí bảo dưỡng, bảo trì thiết bị. Bên cạnh đó, nhờ hiệu quả phân hủy tăng nhanh, trong cùng một khoảng thời gian là 12 giờ, thể tích nước thải được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam xả thải ra ngoài môi trường cũng tăng gần gấp đôi. Đồng thời, chi phí xử lý và vận chuyển bùn thải cũng giảm nhờ giảm được lượng bùn phát sinh, loại bỏ bọt và váng bùn nổi.

Kỹ sư vận hành hệ thống xử lý nước thải KCN Quang Minh Nguyễn Hữu Cường cho biết thêm, việc giảm được nhu cầu ôxy thông qua thúc đẩy quá trình phân hủy kỵ khí đã giúp tiết kiệm tối đa chi phí đối với quá trình bơm, sục khí, đồng thời, tiết kiệm được chi phí cho việc sử dụng các hóa chất bổ trợ trong quá trình xử lý nước thải theo phương pháp sinh học. Đặc biệt, chế phẩm vi sinh biologic còn giúp nhanh chóng loại bỏ và ngăn chặn mùi khó chịu phát sinh trong quá trình xử lý. Điều này có ý nghĩa rất tích cực trong việc đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên vận hành hệ thống.    

Được biết, ngoài KCN Quang Minh, vi chất dinh dưỡng hữu cơ "biologic" cũng đang được các KCN Đồng Văn I (tỉnh Hà Nam) và Nhà máy Bia Thái Bình Dương (huyện Thường Tín) ứng dụng trong quá trình xử lý nước thải công nghiệp. Tuy đây không phải là phương pháp mới, nhưng để tìm kiếm giải pháp an toàn, với chi phí tiết kiệm thì không phải đơn vị nào cũng nắm bắt kịp thời. Với trách nhiệm xã hội của DN, việc tìm tòi, đầu tư để ứng dụng các tiến bộ mới về công nghệ vi sinh trong xử lý ô nhiễm là việc làm cần thiết, góp phần giữ gìn môi trường sống trong lành, để TP Hà Nội mãi "xanh - sạch - đẹp".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần