Không phát sinh thủ tục hành chínhTheo Dự thảo Luật, đã bổ sung một chương về hộ kinh doanh, quy định theo hướng tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình pháp lý khác là DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, việc bổ sung quy định, đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành DN hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.Dự luật cũng quy định rõ địa vị pháp lý hộ kinh doanh, trách nhiệm dân sự của chủ hộ kinh doanh đảm bảo phù hợp với Bộ luật Dân sự; hộ kinh doanh sẽ do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký; bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện… Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho biết, việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh không làm phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh, không phát sinh thủ tục hành chính.Tán thành với việc đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong Dự Luật, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là một trong những đột phá lần sửa đổi Luật này. Ông Vũ Tiến Lộc phân tích, việc đưa hộ kinh doanh vào Dự Luật điều chỉnh phù hợp với xu thế, bảo đảm minh bạch, tạo địa vị pháp lý vững chắc cho hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển và bảo vệ cho các hộ kinh doanh cũng như đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chủ hộ như trách nhiệm đối với người lao động. “Luật hiện hành điều chỉnh cho 10% GDP - 700.000 DN tư nhân; còn 30% GDP khu vực tư nhân đóng góp (của hộ kinh doanh) thì lại không trong phạm vi điều chỉnh của Luật. Do đó, cần có quy định bao trùm hộ kinh doanh là một chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam và đúng theo tinh thần của Hiến pháp” - ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.Băn khoăn tính khả thiCũng khẳng định vai trò, đóng góp của hộ kinh doanh trong nền kinh tế là rất lớn, nhưng Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phùng Văn Hùng cho rằng, phải làm rõ đưa quy định hộ kinh doanh vào Dự Luật có giải quyết được tình trạng thất thu ngân sách, bởi hiện nay hộ kinh doanh mới chỉ đóng góp khoảng 1,6% ngân sách… Đồng thời, hiện việc khuyến khích hộ kinh doanh lên DN không hiệu quả là do chính sách thuế bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh và DN. Thuế môn bài đối với hộ kinh doanh không bình đẳng với thuế thu nhập DN, thủ tục đăng ký thành lập từ DN siêu nhỏ cũng rất phức tạp. Do đó, đã đến lúc cần tổng kết, đánh giá hoạt động của hộ kinh doanh để làm sao có những quy định phù hợp.Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi cũng bày tỏ băn khoăn với quy định này. Bởi nội hàm các quy định của Dự Luật so với quy định hiện hành không khác biệt khi hộ kinh doanh vẫn đang được xác định là chủ thể kinh doanh hợp pháp có đăng ký kinh doanh và có phải đóng thuế. Các quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh trong Dự Luật đều là những quyền đang có mà chưa thấy rõ khả năng tiếp cận vốn tăng hơn, thuận lợi hơn hay những quyền mới, nghĩa vụ mới chưa thể hiện đúng như định hướng đề ra.Ở một góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng nếu đưa vào Dự Luật để hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước liệu có dàn trải. Thay vào đó, cần có tiêu chí để hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành DN để quản lý và có chính sách hỗ trợ. Do đó, quy định này cần cân nhắc thêm để đảm bảo tính khả thi.