Đưa nông sản Nam Bộ đến với người tiêu dùng Thủ đô

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu thụ rất lớn, tuy nhiên các mặt hàng nông sản của các tỉnh, TP Nam Bộ vẫn gặp khó khi tiếp cận người tiêu dùng Thủ đô.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại hội chợ nông sản và hàng thủ công mỹ nghệ tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 9/2019.
Tiềm năng tiêu thụ lớn
Theo thống kê, trung bình mỗi tháng, người dân Thủ đô tiêu thụ khoảng 93.000 tấn gạo, 18.594 tấn thịt lợn hơi, 5.300 tấn thịt bò, 6.200 tấn thịt gà, 5.200 tấn thủy hải sản, 103.000 tấn rau củ quả, 124 triệu quả trứng, gần 58.000 tấn trái cây. Trong các tháng lễ, Tết, nhu cầu tiêu thụ nông sản tăng từ 15 – 20%. Nhu cầu thị trường rất lớn, tuy nhiên khả năng đáp ứng các mặt hàng nông sản của Hà Nội ở hầu hết các ngành hàng lại khá thấp, đơn cử như: Gạo 35%, thịt bò 15%, thủy hải sản 5%, trứng gà 66%, rau củ 65%, trái cây 35%... Phần lớn nông sản còn thiếu, Hà Nội phải nhập từ các tỉnh, TP lân cận và xa hơn là Nam Bộ.
Các tỉnh, TP và DN nên nghiên cứu, xây dựng diễn đàn kết nối điện tử, tạo kênh thông tin cập nhật thường xuyên nhu cầu, cũng như khả năng cung ứng các loại nông sản cho Hà Nội. Thông qua việc kết nối, các tỉnh, TP và DN Nam Bộ sẽ biết Hà Nội cần mặt hàng gì để đáp ứng; trong khi các DN tại Hà Nội cũng sẽ tìm được những đơn vị cung ứng nông sản tốt nhất cho người tiêu dùng Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường
Bên cạnh nhu cầu tiêu thụ lớn, Hà Nội còn có hệ thống phân phối nông sản đa dạng với 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ, trên 1.000 cửa hàng tiện ích và 798 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn. Đây là một điểm rất thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản từ các tỉnh, TP, bao gồm cả các địa phương phía Nam.
Mối quan hệ hợp tác giữa các DN Hà Nội và cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản ở Nam Bộ cũng đang ngày một được mở rộng. Hiện, nhiều DN đang thu mua nông sản từ Nam Bộ để phân phối trên địa bàn Thủ đô như: Tổng Công ty Thương mại Hà Nội khai thác gạo ở Đồng Tháp; Siêu thị Big C, Vinmart khai thác thủy sản từ Hậu Giang, trái cây của Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ… Đặc biệt, các loại trái cây còn đang được thu gom qua thương lái Nam Bộ, đưa về các chợ đầu mối nông sản của Hà Nội như: Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), Đền Lừ (quận Hoàng Mai), Long Biên (quận Ba Đình)… Sản lượng trái cây lưu chuyển mỗi ngày khoảng 1.000 tấn.
Những bài toán cần lời giải
Một trong những vấn đề khiến nông sản Nam Bộ hiện chưa tiếp cận được thật sự sâu rộng vào thị trường Hà Nội là bởi nguồn gốc xuất xứ. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan dẫn chứng, vừa qua đơn vị đã tiến hành khảo sát mặt hàng trái cây tại 2 chợ Minh Khai và Long Biên. Khi được hỏi, tiểu thương chỉ biết là mua của ông A, bà B; có loại thì có nguồn gốc, nhưng phần lớn là không rõ được sản xuất ở đâu, khi nào. “Hà Nội thiếu rất nhiều nông sản của Nam Bộ, nhưng nông sản chính ngạch thì không có nhiều” – bà Trần Thị Phương Lan đánh giá.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, các nhà vườn Nam Bộ cần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để những sản phẩm chất lượng được tiêu thụ qua kênh phân phối chính thống. Đồng thời, từng bước loại bỏ trái cây nói riêng, nông sản nói chung không an toàn.
Thực tế cho thấy, giá thành của nông sản Nam Bộ khi đến tay người tiêu dùng vẫn còn khá cao. Sở dĩ vậy là bởi giá nông sản bị đẩy lên do chi phí vận chuyển lớn. Theo Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, điều này đặt ra đòi hỏi cần phát triển hệ thống logistic để giảm giá thành cho nông sản Nam Bộ khi ra đến Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, xu thế hội nhập khiến cạnh tranh về nông sản sẽ rất lớn. Nếu người sản xuất không thể cho ra những sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ rất khó để nông sản Nam Bộ có mặt rộng rãi tại Hà Nội. Chính vì vậy, thay đổi phương thức sản xuất, tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị là một đòi hỏi cấp thiết. Bên cạnh đó, cần có giải pháp phát triển logistic, nhằm giảm giá thành cho nông sản Nam Bộ khi đến tay người tiêu dùng Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần