Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa nông sản Việt vào chuỗi cung ứng giá trị

Thời Nguyễn – Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành công bước đầu của một số hợp tác xã (HTX) là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các HTX chuyển đổi mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết. Dù vậy, mục tiêu trên vẫn đứng trước không ít rào cản như thiếu quy hoạch, sản xuất không bền vững, thiếu vốn và bài toán đầu ra cho nông sản.

Bài 2: Nhiều rào cản 
Sản xuất thiếu an toàn, bền vững
Nhiều năm qua, sản phẩm miến Bình Lư của HTX Duy Sơn (huyện Tam Đường, Lai Châu) đã được đưa đi tham gia rất nhiều hội chợ xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, Giám đốc HTX Duy Sơn Đặng Thế Truyền cho biết, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào chấp nhận đưa sản phẩm miến Bình Lư vào chuỗi cung ứng do HTX Duy Sơn chưa thực hiện sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP hoặc hữu cơ.
Trong khi đó, sau một năm tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản an toàn tại hệ thống bán lẻ của Big C, năm 2018, HTX Hòa Phong (Hưng Yên) lại tự chấm dứt hợp đồng. Đại diện HTX này cho biết, nguyên nhân là do đơn vị chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện, đơn vị này đang tìm đường quay trở lại với nông sản an toàn nhưng chắc chắn sẽ khó khăn hơn trước rất nhiều.
 Chăn nuôi lợn tại Hợp tác xã Hoàng Long, huyện Thanh Oai. Ảnh: Lâm Nguyễn
Hai ví dụ trên đã phản ánh một thực tế hiện nay khiến các HTX chưa thể tạo được chuỗi giá trị bền vững là quy trình sản xuất chưa đảm bảo và kế hoạch sản xuất thiếu ổn định. Với đòi hỏi về an toàn thực phẩm ngày càng cao, đặc biệt là cạnh tranh rất lớn trên thị trường, nếu các HTX không có kế hoạch sản xuất dài hơi, chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất sạch hơn, sẽ rất khó để có thể tiếp cận chuỗi cung ứng giá trị lâu bền và hiệu quả cao.
Từ vốn đến bài toán thị trường
Tháng 7/2017, cô gái sinh năm 1990 Nguyễn Thị Thu đã đứng ra thành lập HTX Tâm An (huyện Thường Tín) chuyên sản xuất các loại trà và mỹ phẩm từ thảo dược. Hiện, HTX đang phối hợp với DN chế biến, đóng gói và xây dựng thương hiệu Tâm An cho các sản phẩm, bước đầu có mặt tại các hệ thống bán lẻ.
Dù đã có những bước đi ban đầu khá vững chắc, tuy nhiên, chị Thu cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX vẫn là vốn và thị trường. Từng tham gia khá nhiều chương trình xúc tiến thương mại, nhưng sản phẩm mang nhãn hiệu Tâm An vẫn đang phải lo đầu ra và chưa đến với đông đảo người tiêu dùng Thủ đô.
Theo tìm hiểu tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), với 40ha nhà màng, nhà lưới, mỗi ngày HTX này cung ứng ra thị trường khoảng 5 tấn rau, củ, quả. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% sản lượng này đi được vào hệ thống chuỗi bán hàng; còn lại 80% là bà con xã viên… tự mang ra chợ bán.
Cùng với bài toán thị trường, khó khăn hiện nay là nông dân góp ruộng cùng sản xuất nên HTX không thể lấy đó là tài sản chung để thế chấp vay vốn đầu tư công nghệ để phát triển sản xuất kéo theo đó là quy mô sản xuất nhỏ hẹp.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội Nguyễn Tiến Phong, hàng năm, thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển HTX TP, hàng chục dự án đầu tư của các HTX đã được hỗ trợ vốn vay. Tuy nhiên, so với nhu cầu thì con số này vẫn còn khá hạn chế. Chính vì vậy, để các HTX có thể mở rộng quy mô sản xuất theo hướng giá trị cao, an toàn thực phẩm và bền vững, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ thêm từ các quận, huyện, thị xã, nhất là trong việc hỗ trợ vốn vay và bố trí quỹ đất cho các HTX đầu tư phát triển.

(Còn nữa)