Đưa quy định tỷ lệ đất dành cho giao thông vào luật: Phù hợp thực tiễn mới bảo đảm tính khả thi

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần quy định rõ tỷ lệ phần trăm đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị từ luật và bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế. Đó là một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm khi Quốc hội xem xét Dự thảo Luật Giao thông đường bộ - GTĐB (sửa đổi).

 Tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị hiện nay còn thấp hơn so với quy định. Ảnh: Thanh Hải
Phải rõ từ luật để thúc đẩy thực thi

Theo đại diện Bộ GTVT, quy định của Luật Giao GTĐB năm 2008, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải đảm bảo từ 16% - 20%. Tuy nhiên, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị hiện nay còn thấp hơn so với quy định, như tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác, con số này mới chỉ đạt từ 5 - 12% tùy theo từng khu vực. Hơn nữa hiện nay, mật độ đường phố tại khu vực trung tâm cũng rất thấp. Đơn cử khu vực nội đô Hà Nội chỉ đạt khoảng 0,74km/km2. Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông tĩnh cũng rất thấp, mới chỉ đạt được dưới 1%.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này được kỳ vọng sẽ tạo nên các bước đột phá phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, đáp ứng yêu cầu… Tuy nhiên, so với Luật hiện hành, Dự Luật lại không quy định rõ tỷ lệ phần trăm đất dành cho giao thông so với đất dành cho xây dựng. Cụ thể, khoản 1 và khoản 2, Điều 12 Dự Luật quy định: Quỹ đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng GTĐB được xác định theo quy hoạch, quy định của pháp luật về đất đai và Luật này. Quỹ đất dành cho GTĐB ở đô thị xác định theo quy hoạch đô thị, quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng GTĐB, quy hoạch sử dụng đất đai và các quy hoạch khác có liên quan.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc Dự Luật không quy định cụ thể tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị là chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn hiện nay. Theo đại biểu Hoàng Thị Thuý Lan (đoàn Vĩnh Phúc), quỹ đất dành cho GTĐB ở các đô thị chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu, trong khi đó, sự tăng mạnh về số lượng phương tiện tham gia giao thông và nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là tại các khu đô thị lớn, mật độ dân số quá cao ở khu vực trung tâm… dẫn đến ùn tắc giao thông. Do đó, Dự Luật cần quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ quỹ đất dành cho GTĐB trong đô thị, bảo đảm tính khả thi khi thực hiện. “Việc tiếp tục quy định tỷ lệ này trong Dự án Luật GTĐB (sửa đổi) cần được tính toán lại cho phù hợp và có tính khả thi cao hơn, tránh tình trạng luật thì cứ quy định, còn thực tiễn không thể đáp ứng được. Có rất nhiều giải pháp đã được đưa ra trong thời gian qua để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị nhưng vẫn chưa có phương án tối ưu. Để giải quyết được ngọn nguồn của vấn đề này, tôi đề nghị phải có quy định phù hợp về tỷ lệ quỹ đất giao thông và phải thực hiện nghiêm túc tỷ lệ này” – đại biểu nêu ý kiến.

Tính toán kỹ tính thực tiễn

Cùng với đó, nhiều đại biểu cũng đưa ra những giải pháp để thực thi vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu không quy định cụ thể về tỷ lệ phần trăm quỹ đất dành cho giao thông thì các tỉnh, thành sẽ cứ làm đường xong lại bắt đầu phát triển tất cả các trung tâm dịch vụ, nhà ở… dẫn đến nhu cầu quá lớn và phát sinh nhiều hệ lụy về giao thông. “Chúng ta cũng cần tính toán tới việc khi xây dựng bất kỳ một con đường nào thì phải chấm dứt tình trạng “đường mở ra là nhà cửa mọc lên””- đại biểu nêu.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) góp ý, cần bổ sung quy định để tạo hành lang pháp lý cho chính quyền các tỉnh, thành, tạo nguồn thu với các dự án dùng ngân sách đầu tư đường giao thông. Giá trị gia tăng của đất đai khi mở đường phải được thu hồi, đưa trở lại ngân sách nhà nước và được dùng để tái đầu tư cho giao thông vận tải, nâng cao an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.