Đưa sản phẩm của Hà Nội ra thế giới

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu (XK) các mặt hàng mà DN Hà Nội có lợi thế vào thị trường trọng điểm, truyền thống, thị trường tiềm năng… đã được TP tập trung thực hiện thời gian qua. Đây là chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Gia Phương.

Doanh nghiệp Trung Quốc tìm hiểu sản phẩm Việt tại Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức.
Năm 2017, kim ngạch XK của Hà Nội đạt 11,542 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2016. Trong đó, XK địa phương đạt 9,582 tỷ USD (tăng 9,3%), vượt chỉ tiêu HĐND, UBND TP Hà Nội giao. Kết quả tăng trưởng này cho thấy DN đã tận dụng sự phục hồi những nền kinh tế lớn trên thế giới, đồng thời, cũng là thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc...
Cùng với đó là nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành TP với nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ để hỗ trợ DN đẩy mạnh XK. Năm 2017, TP đã ban hành hàng loạt đề án, kế hoạch. Đặc biệt, Kế hoạch số 89/KH-UBND gồm 10 giải pháp giúp DN vượt khó, duy trì và mở rộng thị trường XK.
Cùng với việc nâng cao kiến thức về hội nhập, các hiệp định thương mại tự do, cơ hội từ hoạt động mua bán - sáp nhập DN (M&A), nhằm hỗ trợ các DN mở rộng thị trường XK, quảng bá thương hiệu sản phẩm, trong năm qua, TP liên tục tổ chức các chương trình xúc tiến thông qua việc tham gia các hội chợ quốc tế có quy mô lớn như: Hội chợ Thailand Manufacturing Expo 2017 “Hành trình hướng tới ngành công nghiệp 4.0”; M-Fair Nhật Bản 2017; Tuần hàng Việt Nam tại Italia và Philippines; Triển lãm quốc tế quà tặng, hàng cao cấp và đồ gia dụng thủ công mỹ nghệ lần thứ 36 tại Bắc Kinh (Trung Quốc)...
Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: Tại Triển lãm quốc tế ngành cơ khí chế tạo & công nghiệp hỗ trợ M-Tech tại Nhật Bản, hơn 400 lượt khách đã đến giao dịch với DN Hà Nội, một số DN đã tìm được đại diện tại Nhật Bản. Các Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hikaki, Hải Phương, Xây dựng, cơ khí và thương mại Bình Minh, Kim khí Thăng Long… đã ký các đơn hàng với đối tác Nhật, trị giá từ 25.000 - 70.000 USD/tháng/DN. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Khóa Việt - Tiệp Lương Văn Thắng chia sẻ, các hoạt động xúc tiến thương mại của TP đã giúp DN giảm thời gian, kinh phí để gặp gỡ, đàm phán với đối tác, hiệu quả lớn hơn hoạt động xúc tiến thương mại đơn lẻ do DN tư thực hiện.
Cùng với việc tham gia chương trình Tuần hàng Việt Nam, thời gian qua, ngành công thương Hà Nội cùng Bộ Công Thương kết nối DN Việt Nam tiếp cận các tập đoàn phân phối lớn của châu Âu và châu Á như Auchan, Casino, Central Group, Aeon..., đặc biệt HPA tổ chức “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội” tại Trung tâm thương mại AEON. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ DN Hà Nội thâm nhập hệ thống phân phối hiện đại tại các nước, năm 2018, HPA sẽ mở rộng liên kết đưa sản phẩm của DN Hà Nội vào chuỗi phân phối của những tập đoàn lớn, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường xuất khẩu, từ đó DN xây dựng chiến lược phát triển phù hợp.