Đưa thực phẩm an toàn đến bàn ăn

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ATTP đang là vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua. Bất chấp các đợt thanh kiểm tra ráo riết, những sản phẩm thiếu an toàn, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng (NTD) vẫn ngang nhiên tồn tại. Do đó, giải pháp căn cơ là phải chung tay hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất thực phẩm an toàn cung cấp đến bàn ăn của người dân.

 Ảnh: Trần Việt
Chung tay hỗ trợ
Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn cho biết, dù công tác thanh kiểm tra được triển khai đồng bộ, quyết liệt nhưng các vụ vi phạm về ATVSTP vẫn diễn ra phức tạp. Trong giai đoạn 2011 – 2017, theo thống kê, cả nước đã thành lập được 181.622 đoàn thanh kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 3.858.983 cơ sở, phát hiện 778.301 cơ sở vi phạm, trong đó phạt tiền 72.135 cơ sở với số tiền xấp xỉ 190 tỷ đồng.

Thực tế, trong bối cảnh ATTP luôn là vấn đề nóng, DN ngày càng ý thức hơn trong việc áp dụng thiết bị, công nghệ để sản xuất thực phẩm an toàn. Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy hải sản Hải Đăng (Hòa Bình) Nguyễn Văn Toản cho biết, để các sản phẩm của DN có được đầu ra ổn định, Công ty đã đẩy mạnh việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào quá trình sản xuất.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 4/2017 đã có 62/63 tỉnh (trừ Kon Tum) xây dựng thành công 559 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Năm 2017, cả nước có 1.530 cơ sở sản xuất rau, 706 cơ sở sản xuất quả theo các tiêu chuẩn sản xuất GAP; trên 11.230 cơ sở chăn nuôi đã triển khai áp dụng VietGAP; 350 cơ sở nuôi thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP.
Đến nay, DN đã áp dụng thành công mô hình nuôi cá lồng, giúp sản phẩm có thể truy suất nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo các tiêu chuẩn do các cơ quan chức năng yêu cầu, được các kênh phân phối hiện đại chấp nhận. Nhờ đó, cuối tháng 6 vừa qua, sản phẩm cá sông Đà đã được đưa hệ thống siêu thị Big C miền Bắc. Bàn về vấn đề này, theo Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát Nguyễn Phan Huy Khôi, quan điểm của Tân Hiệp Phát là ATTP phải được xử lý từ gốc bởi DN. DN phải nghiêm ngặt và khắt khe với chính bản thân mình, coi đó là cốt lõi trong sản xuất kinh doanh chứ không đơn thuần chỉ là giải pháp truyền thông. Làm được các tiêu chí về ATTP sẽ góp phần tích cực giúp DN xây dựng thành công thương hiệu.

Lấy người tiêu dùng là trọng tâm

Rõ ràng, việc phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn đi vào thực chất có ý nghĩa sống còn với bản thân DN, tạo niềm tin đối với NTD và góp phần vào quá trình phát triển bền vững lĩnh vực thực phẩm của đất nước. Vì vậy, ông Trịnh Anh Tuấn khuyến cáo, ngoài sự nỗ lực của cơ quan quản lý, các DN sản xuất kinh doanh thực phẩm phải có định hướng dài hạn về chất lượng sản phẩm, cần nhập khẩu các dây chuyền sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học. Đồng thời, các DN cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng sản phẩm, nhãn mác, cung cấp thông tin và biết lắng nghe, giải quyết thỏa đáng các yêu cầu của NTD, có chiến lược kinh doanh dài hạn lấy NTD là trọng tâm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ATTP là vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng và có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam. Do đó, bảo đảm ATTP chính là bảo đảm quyền lợi NTD và sức khỏe người dân. “Với vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc chỉ đạo triển khai và kiểm tra thực hiện các quy định bảo đảm điều kiện ATTP tại các chợ, siêu thị, nhất là các chợ đầu mối; kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, phân phối thực ATTP, tạo mọi điều kiện cho DN chân chính hoạt động trong lĩnh vực này” – Thứ trưởng cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần