Đưa thực phẩm sạch tới bàn ăn

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Để xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn vươn tới tận bàn ăn, bếp ăn của từng gia đình đòi hỏi phải có sự bắt tay chặt chẽ của người sản xuất, DN, nhà khoa học với người tiêu dùng (NTD), và không thể thiếu vai trò kết nối của cơ quan quản lý Nhà nước.

Chưa tạo được niềm tin

Theo tính toán của Sở Công Thương Hà Nội, trung bình mỗi năm, TP cần tiêu thụ khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900.000 tấn rau… Trong đó, sản xuất tại chỗ mới chỉ tự cung cấp được 69% thịt gia súc, 60% rau củ tươi và 28% hoa quả tươi, còn lại phải nhập từ các tỉnh hay nhập khẩu từ nước ngoài. Điều đáng lo ngại là tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm không đảm bảo ATTP vẫn diễn biến phức tạp, từ nguồn cung ứng đến khâu lưu thông. Hơn nữa, do tập quán sản xuất và vì lợi nhuận, nên việc quản lý, hướng dẫn sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản còn gặp nhiều khó khăn. Một số sản phẩm lưu thông trên thị trường đến các bếp ăn tập thể và gia đình vẫn chưa đảm bảo ATTP, gây bức xúc trong Nhân dân.

Sơ chế rau an toàn tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết, trong những năm qua, công tác đảm bảo ATTP đã có những kết quả nhất định. Công tác thanh, kiểm tra được đẩy mạnh đã góp phần ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm về ATTP. Đáng chú ý, nhiều mô hình kiểm soát ATTP đạt hiệu quả tốt như mô hình kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người, mô hình đảm bảo ATTP tại tuyến phố văn minh, sử dụng xe kiểm nghiệm nhanh để tăng tính phòng ngừa… Tuy nhiên, chất lượng thực phẩm tươi sống vẫn chưa tạo được niềm tin cho NTD. Việc kiểm soát tình trạng sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm còn khó khăn, bởi đa số cơ sở chế biến là thủ công, hộ gia đình, cá thể.

Hơn nữa, thực phẩm kém chất lượng, hàng lậu còn lưu thông trên thị trường dẫn tới các vụ ngộ độc thực phẩm. Theo thống kê của Sở Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn TP có 33 ca ngộ độc rượu có chứa methanol, trong đó có 7 ca tử vong. Còn theo kết quả thanh, kiểm tra ATTP của Sở NN&PTNT tại 1.921 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản từ đầu năm đến nay cũng đã phát hiện 246 cơ sở vi phạm, chiếm 12,8%.

5 “nhà” cùng vào cuộc

Trong những năm qua, ngành Công Thương, Y tế, NN&PTNT Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình quản lý, đảm bảo ATTP trong sản xuất, sơ chế, kinh doanh mặt hàng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn TP. Mặc dù vậy, có thể nhận thấy, việc nhiều NTD chưa tiếp cận được với nguồn cung cấp thực phẩm sạch có nguyên nhân từ khâu liên kết giữa nhà sản xuất, NTD, nhà quản lý còn thiếu bền chặt. Chính vì vậy, việc tăng cường sự phối hợp giữa các bên nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng nông sản thực phẩm có vai trò rất quan trọng.

Xuất phát từ thực tế trên, mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Ủy ban MTTQ TP đã khởi động chương trình “Bữa ăn an toàn” và ra mắt trang thông tin điện tử “buaanantoan.vn”. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa nhằm kết nối chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn từ trang trại tới bàn ăn của mỗi gia đình người dân Thủ đô. GS.TS Vũ Hoan – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội chia sẻ, để chuỗi cung ứng sản phẩm đến được bếp ăn, bàn ăn của từng gia đình, cần phải có sự kết nối rộng hơn với nội dung sát thực hơn của 5 "nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN, nhà báo và NTD. Sự liên kết này còn nhằm xây dựng cơ chế đầu tư hỗ trợ, thanh kiểm tra ở tất cả các khâu từ sản xuất đến lưu thông, phân phối, tạo dựng niềm tin cho NTD đối với thực phẩm sạch.

Chương trình “Bữa ăn an toàn” được triển khai trong giai đoạn 2017 – 2020 với mục đích đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô. Trong đó, hoạt động đáng chú ý là xây dựng các gian hàng cố định “Bữa ăn an toàn” tại 30 chung cư trên địa bàn TP. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho rằng, việc minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn được xem là giải pháp quan trọng để có được các bữa ăn an toàn. Hiện, toàn TP đã xây dựng được 47 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn cả trồng trọt và chăn nuôi. Cùng với đó, Sở NN&PTNT đã và đang hỗ trợ 1.000 mã sản phẩm nông, lâm, thủy sản để truy xuất nguồn gốc qua tem nhận diện thông minh QR code. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để kết nối chương trình “Bữa ăn an toàn” được thành công.

Triệt tiêu bớt khâu trung gian

PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, phụ trách trang thông tin điện tử “buaanantoan.vn” thuộc chương trình “Bữa ăn an toàn” chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, mục đích chính của trang là giúp NTD mua thực phẩm an toàn với giá cả hợp lý nhất.

Bà có thể giới thiệu những nét chính về trang thông tin điện tử “buaanantoan.vn”?

- Đây là trang thông tin điện tử chuyên biệt về ATTP. Từ trang này, NTD có thể nhận biết và lựa chọn những địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn. Đối với các nhà sản xuất, kinh doanh, thông qua đây sẽ có điều kiện thuận lợi để tìm được địa chỉ tiêu thụ, khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm của mình. Bên cạnh những thông tin về chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, quán ăn an toàn, “buaanantoan.vn” còn có chuyên mục về tư vấn dinh dưỡng, bữa ăn gia đình, cách chế biến thức ăn đảm bảo dinh dưỡng, bí quyết nấu ăn ngon… Chúng tôi mong muốn thông tin về thực phẩm an toàn đến tận người dân để NTD tự phân biệt, lựa chọn. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô.

Chương trình “Bữa ăn an toàn” sẽ được triển khai thí điểm ở các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội. Hình thức triển khai cụ thể như thế nào, thưa bà?

- Trước mắt, chúng tôi sẽ xây dựng các gian trưng bày giới thiệu sản phẩm ở các khu chung cư để người dân có thể đến xem, tìm hiểu nguồn gốc, địa chỉ cung cấp sản phẩm. Về lâu dài, thông qua các gian hàng và trang thông tin điện tử “buaanantoan.vn” sẽ kết nối trực tiếp NTD với cơ sở sản xuất. Chẳng hạn, ở huyện Phúc Thọ có HTX sản xuất rau sạch có thể ký hợp đồng bán cho một khu chung cư nào đó...

Dự kiến, chương trình “Bữa ăn an toàn” sẽ được triển khai ở nhiều phân khúc chung cư khác nhau từ cao cấp tới bình dân. Tuy nhiên, chương trình mong muốn hướng tới phục vụ đại đa số người dân Thủ đô, nhất là công nhân, người lao động, các gia đình vợ chồng trẻ không có điều kiện mua thực phẩm ở siêu thị. Trong đó, cố gắng triệt tiêu các khâu trung gian để NTD mua thực phẩm sạch với giá cả phải chăng.

Theo bà, làm thế nào để liên kết 5 "nhà" được bền chặt?

- Trước đây, chúng ta đã có chủ trương đúng là liên kết 4 "nhà", nhưng việc thực hiện vẫn còn những hạn chế nhất định. Để đảm bảo liên kết bền chặt, cần đặc biệt quan tâm tới khâu tổ chức và giám sát thực hiện. Khó khăn nhất trong liên kết là vấn đề lợi ích. Do đó, cần phải có sự liên kết mềm bằng cách phân phối hài hòa lợi ích từ người sản xuất đến NTD. Các nhà khoa học cần phải vào cuộc với một cái tâm thực sự. Đối với DN, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tham gia phải đảm bảo an toàn, chất lượng, nếu không sẽ bị loại khỏi chương trình. Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước cũng phải chặt và hỗ trợ, tháo gỡ bất cập kịp thời cho các DN.

Hiện tại có khoảng hơn 200 DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn TP đã đăng ký tham gia chương trình “Bữa ăn an toàn” ở tất cả các loại hình từ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, lưu thông. Đây chủ yếu là các DN được Sở NN&PTNT, Sở Y tế, Sở Công Thương giới thiệu, nên có độ tin cậy đáng kể. Về lâu dài, chương trình sẽ liên kết với các tỉnh để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn dồi dào cho NTD Thủ đô.

Xin cảm ơn bà!

Thắng Văn (thực hiện)