Đưa Trạm biến áp 110kV Minh Khai vào hoạt động

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gắn biển và đưa Trạm biến áp 110kV Minh Khai và nhánh rẽ đi vào hoạt động ngày 15/12, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) sẽ góp phần cung cấp điện an toàn, ổn định cho khu vực phía Nam Thủ đô.

Đây là công trình kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2020) và lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ban Quản lý dự án lưới điện Hà Nội (2000 - 2020).
Khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Khắc Kiên
Theo Giám đốc Ban Quản lý Dự án lưới điện Hà Nội Nguyễn Đăng Phong, đáp ứng nhu cầu phụ tải điện ngày càng tăng cao của khu vực, EVNHANOI đã giao cho Ban Quản lý dự án lưới điện Hà Nội triển khai thực hiện đầu tư dự án: Trạm biến áp 110kV Minh Khai và nhánh rẽ tại đường Dương Văn Bé (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Diện tích sử dụng đất xây dựng trạm là 2.240m2.
Cụ thể, Trạm được đầu tư hiện đại, điều khiển đóng - ngắt từ xa, xây dựng với quy mô lắp đặt 3 máy biến áp 110kV-63MVA với tổng giá trị của trạm là hơn 315 tỷ đồng. Trạm được xây dựng với 2 ngăn lộ 110kV và lắp đặt 27 tủ xuất tuyến 22kV cùng các tủ chức năng.
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình. Ảnh: Khắc Kiên
Bên cạnh đó, xây dựng nhà điều khiển, phân phối, sân phân phối 110kV, móng trụ thiết bị, hệ thống mương cáp, máng cáp; Bể dầu sự cố, bể nước cứu hỏa; Hệ thống tiếp địa, hệ thống cấp thoát nước; Hệ thống chiếu sáng ngoài trời, trong nhà.
Về phía 110kV sử dụng thiết bị hợp bộ công nghệ tiên tiến loại compact/ HGIS, do hãng ABB/ Italia sản xuất. Trong đó, có 2 ngăn đường dây 110kV, 3 ngăn máy biến áp 110kV công suất 3x63MVA, 1 ngăn phân đoạn 110kV, 2 biến điện áp thanh cái 110kV lắp cho 2 phân đoạn thanh cái.
Phía 22kV dùng sơ đồ một hệ thống thanh cái có máy cắt phân đoạn sử dụng tủ phân phối trọn bộ, tổng số là 44 tủ, do hãng Schneider sản xuất.
Thực hiện nghi thức gắn biển công trình. Ảnh: Khắc Kiên
Hệ thống điều khiển máy tính PACIS do hãng Schneider/ Pháp sản xuất; Hệ thống Phòng cháy chữa cháy: Trang bị hệ thống báo cháy hệ địa chỉ, hệ thống chữa cháy tự động bằng giàn phun sương cho 3 MBA; Trụ chữa cháy ngoài nhà, họng tiếp nước dành cho xe chữa cháy; Hệ thống phương tiện chữa cháy ban đầu (các bình chữa cháy xách tay và xe đẩy chữa cháy bằng bột); Hệ thống đèn chỉ dẫn thoát nạn và chiếu sáng sự cố...
Giám đốc Nguyễn Đăng Phong chia sẻ, dù gặp nhiều khó khăn trong công tác GPMB, tuy nhiên được sự quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền TP, sự ủng hộ của đa số người dân trong công tác thu hồi đất đã hoàn thành để bàn giao cho nhà thầu thi công xây dựng đúng tiến độ.
Đặc biệt, thời gian triển khai thi công đúng vào giai đoạn dịch Covid-19, nhờ nỗ lực quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo EVN HANOI nên trạm biến áp đã được thi công và đóng điện an toàn, đúng tiến độ. Theo đó, bàn giao mặt bằng thi công 29/6/2019, thi công hàng rạo tạm bảo vệ diện tích đất 3/7/2019, chính thức khởi công 1/7/2019, hoàn thành thi công xây dựng 25/3/2020, hoàn thành lắp đặt đấu nối 22/6/2020, đóng điện công trình đưa vào vận hành 27/6/2020.
“Trong suốt quá trình thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án lưới điện Hà Nội luôn tuân thủ thực hiện đúng theo các quy định của Nhà nước, của EVN và EVNHANOI về công tác đầu tư xây dựng. Các sản phẩm hoàn thành đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng” - vị này nhấn mạnh.
Công trình đi vào hoạt động sẽ góp phần đảm bảo ổn định điện cho khu vực và lân cận. Ảnh: Khắc Kiên
Đồng thời cho biết, quá trình thi công được sự phối hợp hỗ trợ của Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội, Ban QLDA đã thường xuyên kiểm tra công trường, đôn đốc, chỉ đạo điều hành các đơn vị như: Tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị, thi công đúng theo thiết kế, đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường, phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thi công.
Giám đốc Nguyễn Đăng Phong cho rằng, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh của Thủ đô Hà Nội nói chung, địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, các vùng lân cận nói riêng việc đầu tư xây dựng công trình là hết sức cần thiết, giảm được tổn thất công suất và điện năng của lưới điện khu vực; Nâng cao độ tin cậy an toàn cấp điện của điện lưới, chất lượng điện khu vực và hỗ trợ liên thông nguồn trung thế các trạm 110kV với nhau; Đảm bảo sự phát triển kết cấu lưới điện ổn định đúng quy hoạch, đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như sự phát triển trong tương lai, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần