Đưa xử lý chất thải chăn nuôi vào nền nếp

Kim Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/4, Nghị định 14/2021/NĐ-CP (Nghị định 14) của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi chính thức có hiệu lực. Đây được xem là công cụ hữu hiệu để cơ quan quản lý thực thi trong lĩnh vực chăn nuôi.

Tăng chế tài xử phạt
Ngành chăn nuôi Hà Nội những năm gần đây có sự phát triển đáng kể. Cùng với tốc độ tăng trưởng, vấn đề đặt ra hiện nay là việc xử lý chất thải chăn nuôi. Ở hầu hết các cơ sở chăn nuôi nông hộ, chất thải chăn nuôi không được thu gom, xử lý triệt để, ảnh hưởng đến môi trường không khí, đất và nước. Trong khi đó, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 60%.

Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu (huyện Ba Vì) Nguyễn Danh Hưng cho biết, hiện toàn xã Minh Châu có 800 hộ chăn nuôi bò với tổng đàn 4.500 con; bài toán môi trường trong chăn nuôi đang là vấn đề nan giải của địa phương. Để triển khai Nghị định 14, xã đã tuyên truyền, phổ biến đến người dân qua hệ thống phát thanh và kế hoạch tổ chức tập huấn kiến thức cho bà con. Theo kế hoạch, sau khi tuyên truyền nhắc nhở, xã sẽ căn cứ vào chức năng, quyền hạn để xử phạt hành chính, yêu cầu người chăn nuôi khắc phục hậu quả; đối với những hộ cố tình tái phạm có thể yêu cầu dừng chăn nuôi.
 Chăn nuôi bò tại xã Minh Châu, Ba Vì. Ảnh: Phương Nga
Tuy nhiên theo ông Hưng, việc triển khai Nghị định 14 sẽ là việc khó đối với cả người thực thi cũng như người chăn nuôi, bởi trên địa bàn xã chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng không gian sinh hoạt chung để làm chuồng trại. Vì vậy, để người dân bố trí khu vực xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn là việc khó. “Hiện xã đang có quy hoạch xây dựng điểm chăn nuôi tập trung 70ha. Sau khi dự án được triển khai, vấn đề này sẽ được giải quyết” – ông Hưng cho hay.

Quốc Oai cũng là huyện phát triển mạnh chăn nuôi trong những năm gần đây, do đó nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho rằng, Nghị định 14 thay thế Nghị định 64/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, với việc tăng mức xử phạt hành chính sẽ buộc cơ sở chăn nuôi nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất.
“Hiện nay huyện đang tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Nghị định 14 tới người chăn nuôi. Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý chất thải, xây dựng kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường” – ông Tuấn cho hay.

Hướng đến chăn nuôi an toàn

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi là bài toán nan giải trong nhiều năm nay, không chỉ riêng ở Hà Nội mà ở khắp cả nước. Do đó, Nghị định 14 ra đời là một điểm rất mới cho cơ quan quản lý Nhà nước cả ở T.Ư và địa phương, đồng thời cũng là công cụ hữu hiệu để cơ quan quản lý thực thi trong lĩnh vực chăn nuôi theo thẩm quyền.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, việc triển khai Nghị định 14 ban đầu sẽ gặp một số khó khăn nhất định. Bởi trên thực tế, ngành chăn nuôi của chúng ta chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi tự phát, nhất là những cơ sở không nằm trong quy hoạch. Do đó, giải pháp đầu tiên là tuyên truyền, nhắc nhở đến người chăn nuôi để người dân hiểu rõ, đưa việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi vào nền nếp.

Việc xử phạt nghiêm hành vi vi phạm sẽ góp phần buộc các cơ sở chăn nuôi phải thực hiện đúng quy định bảo vệ môi trường. Đây là cơ sở để giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh; đồng thời khuyến khích các chủ trang trại đầu tư hạ tầng chuồng trại đạt chuẩn để bảo vệ môi trường.

Theo Nghị định 14, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ; từ 3 - 5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa; tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn...