Đức kêu gọi có biện pháp đối phó nếu Mỹ trừng phạt Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Năng lượng Quốc hội Đức Klaus Ernst, Berlin sẽ phải cân nhắc các biện pháp đối phó nếu Washington áp lệnh trừng phạt chống Dòng chảy Phương Bắc 2.

Ukraine đang tích cực phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga.
"Người Mỹ không có trách nhiệm can dự vào kế hoạch định hình chính sách năng lượng của chúng tôi. Đối với tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga, việc Mỹ đe dọa áp đặt trừng phạt dự án đưa khí đốt từ Nga qua Đức đến các nước châu Âu hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Chính phủ Đức sẽ phải cân nhắc các biện pháp đối phó để tự bảo vệ mình chống lại các biện pháp trừng phạt đơn phương này nếu nó cản trở hoạt động của tuyến đường ống” - nghị sĩ Ernst khẳng định hôm 4/12.
Ông Ernst cũng không loại trừ việc Đức sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa trong trường hợp Mỹ áp đặt trừng phạt chống Dòng chảy phương Bắc 2. Theo ông Ernst, Đức có thể thực hiện việc tăng thuế nhập khẩu khí hóa lỏng của Mỹ.
Đồng thời, ông Ernst nói rằng việc Ukraine ủng hộ quan điểm của Mỹ đối với đường ống dẫn khí đốt là không thể chấp nhận được. “Việc một đất nước đã và đang nhận được sự hỗ trợ chính trị tài chính to lớn từ Liên minh châu Âu (EU), trong khi đó lại ủng hộ các biện pháp trừng phạt bên ngoài lãnh thổ của Mỹ, những biện pháp đó đang “xâm hại” chính sách năng lượng của chúng tôi, khiến chúng tôi phải đặt câu hỏi về sự hỗ trợ này”, nhà lập pháp Ernst nói.
Trước đó, hồi cuối tháng 11, hãng tin Defense News cho biết Mỹ đã lên kế hoạch ngăn chặn việc xây dựng đường ống khí đốt tự nhiên Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga bằng việc thông qua dự luật về quốc phòng năm 2020. Trong khi đó giữa Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ cho đến nay vẫn chưa có sự nhất trí hoàn toàn về vấn đề này.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ David Hale hôm 3/12 nói Ủy ban Thượng viện rằng Washington có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 nếu chiến dịch ngoại giao của họ nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu thất bại.
Dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” dự kiến đặt hai tuyến đường ống dẫn khí đốt có tổng công suất 55 tỷ mét khối/năm từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức. Tuyến đường ống này cũng sẽ đi qua lãnh hải hoặc khu vực đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Ukraine đang tích cực phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vì lo ngại mất nguồn thu nhập từ việc trung chuyển khí đốt của Nga và một số nước châu Âu, bao gồm Ba Lan, Latvia, Litva, cũng như Mỹ - nước đang thúc đẩy việc bán khí đốt hóa lỏng sang EU.
Phía Nga đã nhiều lần tuyên bố, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn toàn mang tính chất thương mại và cạnh tranh, cũng như khẳng định dự án sẽ không chấm dứt việc trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine đến các nước EU.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần