Đức kiểm soát biên giới, Hiệp ước Schengen bị đe dọa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Berlin có thể mở rộng kiểm soát biên giới với Áo, đưa ra tín hiệu mạnh hơn ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách không biên giới của châu Âu.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết, nước này có thể sẽ không kết thúc việc kiểm soát biên giới với Áo nhằm hạn chế lượng người di cư. Ông Thomas de Maiziere cho biết, Đức có thể mở rộng việc kiểm soát, lần đầu tiên được đưa ra vào tháng 9, khi cuộc khủng hoảng di cư trở nên khó kiểm soát, và kéo dài 2 năm, mức thời gian tối đa được Hiệp ước Schengen cho phép.
Người di cư xếp hàng tại một ga tàu để đến Munich, Đức.
Người di cư xếp hàng tại một ga tàu để đến Munich, Đức.
Sau khi tiếp nhận khoảng 1,1 triệu người tị nạn năm 2015, Bộ trưởng Nội vụ Đức cho biết nước này sẽ không tiếp nhận nhiều như vậy vào năm 2016. Đức có kế hoạch giảm đáng kể số người tị nạn đến nước này và sẽ trục xuất những người không có giấy tờ hợp lệ.
Đức nhận trung bình 2.000 người tị nạn/ngày trong tháng 1/2016. Ông de Maiziere cho rằng số lượng phải giảm xuống hơn nữa. Theo ông, chính phủ Đức sẽ xem xét một giải pháp toàn châu Âu về vấn đề này, có nghĩa là có thể tiến hành các biện pháp như kiểm soát biên giới, đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và cung cấp viện trợ ở các khu vực xung đột.

Người dân Đức ban đầu chào đón người di cư, nhưng những sự cố như một loạt vụ tấn công tình dục phụ nữ ở Cologne vào đêm giao thừa đã khiến dư luận tranh cãi về chính sách mở cửa với người di cư.

Bên cạnh đó, cuộc hành trình của người di cư càng trở nên khó khăn trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt. 12 người đã thiệt mạng hôm thứ Năm sau khi chiếc thuyền đưa họ đến Hy Lạp bị lật.

Hôm qua, giới chức Áo cho biết, nước này sẽ tiếp nhận 37.500 người di cư và siết chặt kiểm soát biên giới, dồn áp lực cho Thủ tướng Đức Angela Merkel trong việc hạn chế số lượng người di cư đến Đức.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết, cuộc khủng hoảng người tị nạn và thách thức an ninh ở châu Âu đang đặt ra mối đe dọa hiện hữu. "Liên minh châu Âu có thể sẽ tan vỡ, thậm chí trong thời gian ngắn, nếu các nước không thể đối mặt với những thách thức an ninh," ông nói.