Đức: Lệnh trừng phạt bổ sung chống Dòng chảy Phương Bắc 2 của Mỹ là không thể chấp nhận được

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Quốc vụ Bộ Ngoại giao Đức Niels Annen hôm 1/7 nói rằng lệnh trừng phạt của Mỹ chống dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 không tuân thủ luật pháp của EU.

Đức cho rằng lệnh trừng phạt bổ sung chống Dòng chảy Phương Bắc 2 của Mỹ là không thể chấp nhận được. 
“Các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu được Mỹ thông qua chống lại tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 nhằm mục đích ngăn chặn việc thực hiện dự án này, là không tuân thủ luật pháp của Liên minh châu Âu (EU), vì vậy việc này không thể chấp nhận được” - Bộ trưởng Niels Annen khẳng định.
Ông Annen lưu ý thêm rằng biện pháp trừng phạt sẽ cản trở một dự án thương mại, vốn đang được thực hiện dựa trên cơ sở luật pháp EU.
"Lập trường của chính phủ Đức về vấn đề này rất rõ ràng: Các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ Mỹ là sự can thiệp trắng trợn vào chủ quyền của EU. Rõ ràng là phía Mỹ đang nỗ lực đơn phương áp đặt biện pháp trừng phạt để dừng dự án", Bộ trưởng Annen cho hay.
Theo Bộ trưởng Annen, ngoài các công ty của Đức, Pháp, Hà Lan và Áo, các DN khác có liên quan đến Dòng chảy Phương Bắc 2, đặc biệt là đơn vị chứng nhận và giám sát dự án, đối mặt nguy cơ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
"Việc Quốc hội Mỹ đóng vai trò là cơ quan quản lý đối với các vấn đề châu Âu là vô lý", ông Annen nhấn mạnh. "Chính phủ Đức vẫn tin tưởng vấn đề còn bất đồng giữa các đồng minh cần được giải quyết thông qua đàm phán. Các lệnh trừng phạt là giải pháp sai lầm”  - Bộ trưởng Annen nói.
Dòng chảy phương Bắc 2 liên quan đến việc xây dựng 2 tuyến đường ống dẫn khí đốt có tổng công suất 55 tỷ mét khối khí mỗi năm. Đường ống sẽ đi qua lãnh hải hoặc các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Dự án trị giá 11 tỷ USD, một nửa do Tập đoàn Gazprom của Nga tài trợ và nửa còn lại chia đều cho 5 công ty châu Âu (OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell). Dự kiến tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên được vận chuyển từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần