Đục thông 6 vòm cầu để mở rộng không gian văn hóa

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến đến tháng 12/2018, Hà Nội sẽ cho đục thông 6 vòm cầu nằm trên đoạn đường dài khoảng 100m, nối từ Hàng Cót tới Hàng Giấy. Tuy nhiên, việc giải tỏa khu chợ tạm lúc nào cũng ồn ào từ sáng đến đêm, đảm bảo an toàn của vòm cầu khi tàu chạy đang là nỗi lo của những người thực hiện.

 Phố Gầm Cầu là địa điểm tập trung nhiều quán ăn và cửa hàng kinh doanh.
Từ chợ tạm thành không gian văn hóa ẩm thực

Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, khu vực phố Gầm Cầu (đoạn 100m, nối từ Hàng Cót tới Hàng Giấy) khá nhếch nhác. Nhiều quán ăn, cửa hàng tạp hóa bày bán lấn chiếm 2/3 lòng đường, đồng thời hệ thống mái che tạm bợ được dựng giữa phố khiến, lấn chiếm không gian khiến việc đi lại người dân gặp nhiều khó khăn. Theo chị Vũ Hồng Khanh - người dân sống gần đoạn đường trên: "Hàng quán mở từ sáng tới đêm nên lúc nào cũng ồn ào. Vào ban đêm, người ăn đông, họ vô tư xả rác, thức ăn thừa khiến môi trường lúc nào ô nhiễm. Vào những ngày trời mưa, mùi thức ăn thừa rất khó chịu, đặc biệt với người già và trẻ em". Và để khắc phục tình trạng nhếch nhác này, UBND Hoàn Kiếm đang có đề án khai thác, sử dụng vòm cầu sau khi đục thông. Trong đó, vòm cầu có thể được sử dụng để làm không gian giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ, không gian văn hóa cộng đồng, không gian văn hóa ẩm thực, thương mại, làm văn phòng.

Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội Đặng Đình Bằng cho biết thêm: “Trong quá trình đục thí điểm 6 vòm cầu, ngành đường sắt sẽ chỉ rõ đục bắt đầu và kết thúc từ vòm cầu nào. Trên cơ sở hồ sơ thiết kế thi công, chúng tôi đưa ra các giải pháp chống đỡ trong quá trình chạy tàu. Bên cạnh đó, chúng tôi có đề xuất cải tạo phố Gầm Cầu, chỉnh trang mặt đứng của các nhà dân, dự kiến sẽ giải tỏa các hộ đang nằm trong phạm vi bảo vệ an toàn công trình đường sắt". Vì việc chọn nhà thầu dự án, thời gian từ khi đăng thông báo đến khi lựa chọn xong từ 25 - 30 ngày nên sớm nhất đến tháng 12/2018 mới có thể đục thông vòm cầu. Do chưa lựa chọn được đơn vị xã hội hóa nên dự án sẽ thí điểm đục thông 6 vòm cầu sẽ dùng ngân sách.

Mở rộng không gian phố đi bộ

Với chiều dài khoảng 100m, đoạn phố đục thông 6 vòm cầu này nằm liền kề với khu vực đầu phố Phùng Hưng, nơi có 17 vòm cầu đã được trang trí bằng các bức bích họa theo một dự án phối hợp giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Như vậy, sau khi hoàn thành, 2 đoạn phố này sẽ có sự kết nối để tạo ra một không gian văn hóa công cộng mới cho Hà Nội.

“Phố Bích họa Phùng Hưng mặc dù là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách nhưng thiếu tính kết nối với khu vực tuyến phố đi bộ từ Hàng Đào đến Hàng Giấy. Do vậy, việc đục thông 6 vòm cầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kết nối 2 không gian. Quận Hoàn Kiếm mong muốn, đoạn đường phố Bích họa có thể cấm các phương tiện trong ngày thường, không cần chờ đến các sự kiện. Trước đó, vào những dịp tổ chức sự kiện như chợ hoa tết và các sự kiện văn hóa việc cấm đường không ảnh hưởng lớn đến giao thông” - ông Đặng Đình Bằng cho biết.

Đầu tháng 7/2018, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri bày tỏ quan điểm 131 vòm cầu đá dưới đường sắt dẫn lên cầu Long Biên là di sản đô thị cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch của TP. Chính vì vậy, Hà Nội đã xin ý kiến các cơ quan liên quan cải tạo không gian công cộng tại các vòm cầu này để tổ chức hoạt động nghệ thuật. Việc đục thông 6 vòm cầu này là giai đoạn thí điểm, trước khi được áp dụng trên toàn bộ các vòm cầu kéo dài từ Phùng Hưng tới ga Long Biên.

Dài gần 1 km, những vòm cầu kéo từ Phùng Hưng tới ga Long Biên được tạo thành từ các trụ móng cầu cạn đường sắt do người Pháp xây dựng bằng đá hộc vào hơn 100 năm trước. Hiện tại, ngoài 4 vòm cầu vẫn được giữ làm đường giao thông, 127 vòm còn lại đã bị bịt kín bằng xi măng từ thập niên 1980.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần