Đức vẫn quyết thực hiện Dòng chảy Phương Bắc 2 bất chấp căng thẳng Nga-Ukraine leo thang

Nguyễn Phương (Theo Moscowtimes)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Đức ngày 28/11 cho biết nước này vẫn cam kết với dự án Dòng chảy phương Bắc 2, cho phép Nga đưa khí đốt vòng qua Ukraine tới châu Âu.

Tuyên bố trên được đưa ra bất chấp những căng thẳng đang leo thang trong khu vực cũng như việc Mỹ và một số nước lêm tiếng chỉ trích dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sau vụ va chạm tại Eo biển Kerch khiến Hải quân Nga bắt giữ các quân nhân và 3 tàu Hải quân Ukraine hôm 25/11 vừa qua.
 Đức vẫn cam kết với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bất chấp căng thẳng Nga - Ukraine leo thang. 
Đáp lại những chỉ trích rằng dự án này sẽ khiến Đức và châu Âu quá phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert khẳng định "không có gì thay đổi về quan điểm cơ bản của dự án kinh tế này".
Người phát ngôn Seibert cũng nói thêm rằng Đức vẫn muốn đảm bảo Ukraine sẽ tiếp tục là một nước trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu.
Phát biểu trên kênh truyền hình ARD của Đức ngày 29/11, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết: “Các vấn đề liên quan đến thực hiện dự án  đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 và cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Ukraine và Nga cần phải được tách bạch. "Đây là 2 vấn đề và các lĩnh vực hoàn toàn khác nhau," ông Altmaier nhấn mạnh.
Bộ trưởng Altmaier cũng lưu ý rằng căng thẳng ở Ukraine "không thể được giải quyết bằng vũ lực". Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng cuộc xung đột tại Eo biển Kerch sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Argentina vào cuối tuần này.
Trước đó hôm 28/11, Đại sứ Ukraine tại Đức kêu gọi Berlin ngừng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Trong phát biểu cùng ngày, Đặc phái viên Mỹ về các cuộc đàm phán Ukraine cho biết Mỹ muốn các đồng minh châu Âu cân nhắc siết chặt trừng phạt chống Nga liên quan đến tình hình tại Ukraine. 
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nói rằng tranh cãi về việc tăng trừng phạt Nga liên quan cuộc xung đột Ukraine lúc này là "quá sớm," đồng thời cho rằng vấn đề này cần được xem xét một cách thận trọng. "Các biện pháp trừng phạt là một công cụ pháp lý gây hậu quả cho tất cả các bên liên quan, vì vậy chúng ta cần phải xem xét và thảo luận việc này một cách cẩn thận", người phát ngôn cho hay.