Đừng biến tướng tín ngưỡng thờ Mẫu

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/10, Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội khai mạc “Giao lưu thực hành nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – Hà Nội”. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu đã dung hòa các tôn giáo khác để chắt lọc tinh túy. Tuy nhiên, người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cần tránh những thực hành tín ngưỡng này một cách biến tướng.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Ảnh: Minh Quân
Gắn kết, dung hòa các tôn giáo
Theo các chuyên gia, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố tôn giáo du nhập Phật giáo, Đạo giáo. TS Phạm Văn Tuấn – Viện Hán nôm cho biết: “Ở miền Bắc, gần như chùa nào cũng có bàn thờ mẫu và khác biệt hoàn toàn với văn hóa tín ngưỡng trong Phật giáo được các thư tịch ghi chép lại. Chúng tôi nhiều năm nghiên cứu tín ngưỡng trong Phật giáo và văn hóa Phật nói chung, nhận thấy không chỉ thư tịch lịch sử quan phương của người Việt, còn thư tịch văn học, thư tịch tín ngưỡng, văn bia…
Chỉ tính riêng ở TP Hà Nội đã có 215 đền, phủ và 920 cung, điện thờ Mẫu, trong đó có hơn 800 điện thờ tư gia. Số cơ sở thờ Mẫu có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm tới.
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Bản – Vụ Tín ngưỡng và các tôn giáo khác (Ban Tôn giáo Chính phủ)
Các loại hình văn hiến cho thấy trước thế kỷ XVII không ghi chép về tín ngưỡng Tam phủ Tứ phủ. Bước chuyển giao thế kỷ XVII sang thế kỷ XVIII, xuất hiện dần những văn bản về tín ngưỡng, từ văn bia, đến sắc phong, thư tịch khác nhau. Liễu Hạnh hoặc các thần nữ, các quan cũng dần dần hình thành nhưng thành tín ngưỡng mang tính phổ biến và dịch chuyển từ miếu đền vào chùa thì khá muộn, khoảng cuối thể kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX”.
Đây cũng là điều nhận thấy trong thư tịch ghi chép về văn hóa và tôn giáo trong các chùa chiền ở Việt Nam vào các giai đoạn trước, khi không hề xuất hiện các ban mẫu hoặc tín ngưỡng bản địa trong chùa. Chùa đơn thuần là thờ Phật. Nhưng sang khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tín ngưỡng Tam phủ Tứ phủ với ban mẫu vào chùa. Tuy nhiên, mối giao thoa giữa các nguồn tín ngưỡng sớm hơn. Chùa Giám là minh chứng cho sự giao thoa giữa Tam phủ Tứ phủ và đạo Phật, qua hình ảnh Liễu Hạnh cúng dàng, làm chủ hưng công xây chùa.
Dung hòa và chắt lọc tinh hoa
Trong những năm gần đây, tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng ngày một được phục hồi và phát triển mạnh mẽ bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có việc UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo thống kê hiện nay ở nước ta có khoảng trên 10.000 cơ sở thờ Mẫu bao gồm: Phủ, đền, điện thờ tư gia và các tên gọi khác về thờ Mẫu cùng các cụm, quần thể công trình tín ngưỡng, tôn giáo có thờ Mẫu (như Chùa có cung Mẫu).
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng sửa chữa các di tích tôn giáo tín ngưỡng theo xu thế phục vụ thị hiếu của thị trường, đền chùa nào cũng lập thêm phủ thờ Mẫu. TS Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó trưởng Ban Tôn giáo - Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam dẫn chứng câu chuyện tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Hiện nay, sự phát triển của các phủ thờ tại địa phương vẫn đang tồn tại sự cạnh tranh lẫn nhau như mâu thuẫn giữa phủ Vân Cát và phủ Thiên Hương, phủ Vân Cát và đền thờ Lý Bôn… Thủ nhang đề Lý Bôn cho rằng vua Lý Bôn là to nhất vì ông Lý Bôn còn sắc phong cho thánh Mẫu; thủ nhang phủ Thiên Hương cho đây mới là chính phủ; thủ nhang phủ Vân Cát cho là phủ Vân Cát là tưởng niệm nơi thánh Mẫu sinh ra, phủ Thiên Hương là nơi tưởng niệm Mẫu hóa, chứ không có chính hay phụ.
Theo TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, cần tránh sự tuyên truyền, cạnh tranh về nguồn gốc, vị thế, gây nên những phản cảm cho người đi lễ, du khách. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng sửa chữa các di tích tôn giáo tín ngưỡng theo xu thế phục vụ thị hiếu của thị trường, đền chùa nào cũng lập nên phủ thờ Mẫu, những nơi thờ các vị thần của địa phương cũng được “Mẫu hóa” sẽ dần làm biến mất những di tích cổ, mai một những sinh hoạt cổ truyền địa phương.