Đừng chỉ đổ lỗi cho người dân

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ nghỉ lễ vừa qua, trong lúc người dân Hà Nội đi về các vùng quê, các điểm du lịch trong và ngoài nước, thì người dân các tỉnh, thành lại về Hà Nội tham quan. Hà Nội từ lâu đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với người dân cả nước, kiều bào và bạn bè khắp nơi trên thế giới.

Đến Hà Nội, ngoài những địa danh linh thiêng như Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Hoàng thành Thăng Long…, không gian đi bộ Hồ Gươm là nơi du khách không thể bỏ qua.
 
Từ khi khai trương năm 2016 đến nay, phố đi bộ Hồ Gươm ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn mỗi dịp cuối tuần không chỉ với người Hà Nội, mà còn với du khách trong và ngoài nước. Trong những ngày lễ cuối tháng Tư, đầu tháng Năm vừa qua cũng vậy. Không gian đi bộ Hồ Gươm được duy trì suốt 4 ngày nghỉ lễ. Chưa có thống kê chính xác đã có bao nhiêu lượt người tới đây, chỉ biết rằng lượng người đến đây vui chơi, thăm thú trong những ngày vừa qua đã tăng đột biến. Và có vẻ như không gian phố đi bộ Hồ Gươm đã quá tải! Với sự quá tải ấy, cùng với niềm vui về sức hấp dẫn của không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng là nỗi lo về những hệ lụy kèm theo nó.
Hệ lụy dễ thấy và không mới, đã được nhiều cơ quan truyền thông phản ánh, là rác thải tràn ngập khu vực này sau những ngày nghỉ lễ. Thật đáng buồn phải chứng kiến cảnh những bãi rác thải sinh hoạt, vỏ lon nước ngọt, bao gói đồ ăn… vứt bừa bãi khắp nơi bên “lẵng hoa giữa lòng Hà Nội”. Dù nhiều thùng rác được đặt đây đó, nhưng do lượng khách đến tăng đột biến, cộng với nhiều người chưa có thói quen bỏ rác vào thùng, nên quanh Hồ Gươm còn nhiều rác thải. Chưa kể, không ít người thiếu ý thức còn xả rác vô tội vạ. Tình trạng này đã diễn ra nhiều lần, đặc biệt trong những ngày lễ, Tết.

Điều dễ thấy nhất và cũng dễ làm nhất là tìm nguyên nhân của tình trạng trên ở ý thức của người dân. Rõ ràng ý thức về việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của nhiều người còn kém, nên không chỉ khu vực Hồ Gươm, mà vài điểm vui chơi công cộng khác của Hà Nội như Công viên Thủ Lệ cũng rơi vào tình trạng này. Đây là tình trạng đáng phê phán và thực tế nó đã bị dư luận lên án một cách thẳng thừng, thậm chỉ chỉ mặt đặt tên với thái độ nghiêm khắc. Một vị quan chức cấp quận đã không ngại nói “số lượng người đổ về Hồ Gươm chủ yếu là dân ngoại tỉnh”. Một nữ tiến sĩ còn nhận xét khá cực đoan “Rác thải là thứ có thể dễ dàng bắt gặp nhất ở Việt Nam” và “Không gian công cộng ở nước mình gần như là để vứt rác, hút thuốc, chửi tục, gây lộn”.

Những nhận định đó tất yếu dẫn đến những biện pháp được đề xuất để giải quyết tình trạng trên là giáo dục, vận động nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân, đi cùng với những chế tài xử phạt nghiêm cho đủ sức răn đe, điều mà ai cũng có thể đề xuất.

Tuy nhiên nói đi thì phải nói lại. Đổ lỗi cho ý thức của người dân, đấy là nguyên nhân duy nhất thì đúng mà chưa đủ. Còn coi xả rác bừa bãi là thói quen cố hữu của dân ta thì có vẻ như quá cực đoan. Một điều dễ thấy là với mức sống ngày càng cao, dân Việt đi du lịch ra nước ngoài càng nhiều. Nếu xả rác bừa bãi là một thói quen cố hữu, thì tại sao cũng những con người ấy, ở một không gian khác lại không có hành vi tương tự? Chắc có người sẽ nói là vì ở những nơi đó xử phạt nghiêm. Đúng là như vậy, nhưng ai đã từng đến những nơi ấy, đều dễ nhận thấy, bên cạnh những biện pháp răn đe, nhà chức trách còn tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân và du khách thực hiện các hành vi văn minh, trong đó có việc không vứt rác bừa bãi. Mà ngay ở trong nước, ai cũng biết khu du lịch Bà Nà, Đà Nẵng là điểm hút khách mọi miền với mật độ đông, nếu không hơn thì cũng không kém không gian đi bộ Hồ Gươm với đủ mọi hoạt động phong phú. Vậy mà ở đây hoàn toàn không thấy tình trạng xả rác bừa bãi. Đơn giản là vì du khách đều được tạo cơ hội để làm người văn minh với một khung cảnh sạch đẹp cùng hệ thống thùng đựng rác và nhà vệ sinh công cộng kín đáo, tiện lợi, sạch sẽ.

Trở lại không gian đi bộ Hồ Gươm. Sự quá tải vì lượng du khách và người dân đổ về quá cao như kỳ nghỉ lễ vừa rồi không phải diễn ra lần đầu. Nói cách khác, đây là tình trạng có thể dự báo trước. Vậy các cơ quan chức năng đã làm gì để khắc phục tình trạng đó, mà cụ thể ở đây là bổ sung những dụng cụ thu gom rác một cách tiện lợi bên cạnh những thùng rác sẵn có? Nói vậy để thấy cùng với những biện pháp như giáo dục, lên án, răn đe…, các cơ quan có trách nhiệm cần tạo điều kiện tối đa để người dân thực hiện những quy định về nếp sống văn minh. Phải chăng, để giải quyết tận gốc tình trạng đáng buồn trên, chúng ta cần tìm nguyên nhân ở nhiều phía, đừng chỉ đổ lỗi cho người dân!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần