Đừng cố một giây để chậm cả đời

Nguyễn Thị Hoàng Yến - Giáo viên Trường Tiểu học Thanh Trì
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - …"Từ bao lâu tôi đã yêu quê hương Việt Nam. Tôi yêu Việt Nam"... Bài hát này thường cất lên mỗi khi nhắc về chủ đề ATGT và đọng lại sâu sắc trong tâm trí mỗi người con đất Việt bởi ý nghĩa nhân văn.

Chúng ta đang sống trong sự chuyển mình không ngừng của một xã hội đầy biến động nhưng không có một sự kiện nào làm chấn động lương tri con người bằng những vụ TNGT liên tiếp xảy ra gần đây. TNGT đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn con người, nó đe dọa sự bình yên trong mỗi một gia đình, khiến vợ mất chồng, mẹ mất con trong nỗi xót xa vì tai nạn. Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ TNGT thương tâm, trong đó phải kể đến những biểu hiện thiếu văn hóa của một số đối tượng khi tham gia giao thông.

 Học sinh vi phạm luật khi tham gia giao thông trên phố Hoàng Cầu. Ảnh: Chiến Công

Giới trẻ hiện nay, đặc biệt là học sinh (HS), sinh viên tham gia giao thông bằng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi rất phổ biến. Đáng chú ý lại thường xuyên tụ tập rất đông, không mũ bảo hiểm, không giấy tờ xe, lạng lách đánh võng, phóng nhanh vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định. Đáng buồn hơn là các em tỏ ra coi thường pháp luật, cố tình vi phạm lại còn ngang nhiên chống người thi hành công vụ. Tất cả những điều này dấy lên hồi chuông đáng lo ngại cho tính mạng của các em và cho toàn xã hội nói chung. Đành rằng các em tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm sống còn ít, chưa đủ chín chắn thì dễ phạm sai lầm, nhưng với các bậc phụ huynh thì sao?

Trên thực tế cho thấy, việc giáo dục văn hóa giao thông cho thanh niên, HS trong nhà trường không phải là một việc làm mới, tuy nhiên vẫn chưa phát huy hết hiệu quả của nó. Phải chăng do hình thức và nội dung mà chúng ta truyền tải còn nghèo nàn, còn đơn điệu, còn khô khan nên chưa kêu gọi được các em cũng như các bậc phụ huynh tham gia tích cực. Chính vì điều đó, giáo dục trong nhà trường về văn hóa giao thông cần chú trọng thay đổi nội dung lẫn hình thức, tổ chức nhiều hơn các buổi tuyên truyền, các cuộc thi tìm hiểu. Bên cạnh đó, cần cho các em tiếp xúc với những hình ảnh vi phạm giao thông bị xử phạt và nhiều hình ảnh TNGT khác để nhận thức được những hậu quả của việc không chấp hành luật giao thông.

Để hưởng ứng Năm ATGT, mỗi người trong chúng ta hãy trở thành một công dân có văn hóa khi tham gia giao thông. Là một giáo viên công tác trong ngành giáo dục, tôi khá hiểu về tâm lý của các em - những thế hệ tương lai của đất nước. Các em năng động nhưng nhân cách chưa hoàn thiện, còn nông nổi, bồng bột, dễ bị kích động, khó kiềm chế, đôi khi tự mãn thích tự do phóng khoáng hay đua đòi, đặc biệt là chưa hiểu biết pháp luật một cách sâu sắc. Giáo dục ATGT cho tầng lớp trẻ tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường vì thế là một việc khó, nhất thiết cần xã hội quan tâm đặc biệt.

Về phía nhà trường cần tổ chức các buổi chuyên đề tập huấn cho cán bộ giáo viên và HS, xây dựng các hoạt động vui chơi, văn nghệ có liên quan đến chủ đề giao thông. Cần tham mưu với lực lượng công an giao thông để tuyên truyền khi cần thiết và cần phải thay đổi nội dung, hình thức tuyên truyền. Song song nhà trường cũng cần xử lý nghiêm minh những trường hợp các em vi phạm khi tham gia giao thông.

Giao thông nói chung và giao thông đường bộ nói riêng đã cướp đi sự bình yên của biết bao gia đình, nỗi đau đó, mất mát đó chỉ diễn ra trong giây lát. Chúng ta hãy nhìn vào nỗi đau của người khác để rút kinh nghiệm cho mình, hãy đừng để nhanh một giây mà chậm cả đời người. Cuộc đời này sống có nghĩa thì rất đẹp, chúng ta hãy biết trân trọng nó, hãy biết yêu mình và biết yêu những con người ở xung quanh. Có lẽ cũng sẽ có rất nhiều người suy nghĩ giống như tôi và trong lúc này đây, tôi lại đang lắng nghe về một bài hát mà tôi đã từng rất thích, bài hát hay và đầy ý nghĩa. Và với cảm xúc của riêng mình, tôi rất muốn nói rằng: "Tôi yêu Việt Nam".
Chúng ta nên lựa chọn nội dung giáo dục ATGT từ tuổi mẫu giáo, tiểu học để các em được thấm sâu và hiểu biết một cách toàn diện. Tất cả các cơ sở giáo dục cần áp dụng nội dung ATGT lồng ghép vào bài dạy, tổ chức cho các em được tham gia vui chơi, học tập và thi dưới nhiều hình thức. Khuyến khích bằng giải thưởng, nhuận bút… để động viên các em tham gia tích cực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần