Đừng coi nhẹ

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ồn ào xuất phát từ việc đỗ xe không đúng nơi quy định trên đường phố của một cán bộ cấp quận vừa lắng xuống, những ngày qua, dư luận lại liên tục lan truyền câu chuyện liên quan đến việc làm giấy chứng tử tại cấp phường.

Điều đáng nói là từ những sự việc tưởng chừng như đơn giản ấy, nhưng do cách hành xử thiếu kiềm chế, có tính nhất thời của những người trong cuộc, đã khiến vấn đề trở thành tâm điểm của dư luận xã hội với nhiều ý kiến trái chiều.
Những thông tin ấy khởi nguồn đều xuất phát từ mạng xã hội, lan truyền ra dư luận, báo chí. Và trước mỗi vụ việc, lãnh đạo TP, quận, phường đã vào cuộc chỉ đạo giải quyết. Như sau khi báo chí có thông tin phản ánh công dân gặp khó khăn trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại UBND phường Văn Miếu, TP đã có công văn yêu cầu Sở Nội vụ, quận Đống Đa kiểm tra, làm rõ thông tin báo nêu về dấu hiệu tiêu cực không; kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm (nếu có) theo quy định pháp luật. Và kết quả của việc kiểm tra ngoài báo cáo TP, cũng sẽ thông tin trả lời báo chí theo quy định.

Những chỉ đạo kịp thời ấy cho thấy sự quyết liệt của TP trong việc siết chặt kỷ cương hành chính công vụ tại cơ quan Nhà nước. Đồng tình trước cách làm này, nhiều người cho rằng, đó là điều cần thiết để tạo bước chuyển mạnh trong kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức. Điều này cũng đúng với tinh thần của Năm kỷ cương hành chính 2017.

Việc đúng sai thế nào các cơ quan chức năng sẽ làm rõ theo quy định. Tuy nhiên, qua các vụ việc này cũng cho thấy, với công nghệ thông tin ngày càng hiện đại và phát triển, mỗi hành động, mỗi ứng xử của cá nhân, từ việc tốt cho đến việc không tốt đều bị giám sát, đều dễ dàng bị ghi hình và phát tán lên mạng xã hội. Chưa biết sự việc đúng sai ra sao, nhưng những hành vi bị coi là chưa đẹp khi đưa lên mạng xã hội trước hết ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, sau đó đến uy tín cơ quan, địa phương đơn vị có cán bộ làm việc. Và ít nhiều cũng tạo ra những hoang mang trong dư luận trước hàng loạt thông tin nhiều chiều, khó phân định đúng - sai.

Có thể nói rằng, mạng xã hội đang trở thành một vấn đề không chỉ làm đau đầu các nhà quản lý, mà nhiều người thực sự đã trở thành “nạn nhân”. Không ít vụ việc sai sự thật, những tin nhiễu, giật gân, câu khách… đã làm rối dư luận và việc này rất cần các cơ quan quản lý vào cuộc xử lý nghiêm minh. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, nhiều vụ việc xuất phát từ mạng xã hội, sau đó qua kênh sàng lọc của báo chí đã là khởi nguồn thông tin cho việc đấu tranh với tiêu cực, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cán bộ, công chức; kỷ luật công vụ. Và khi đó, trước khi “những người trong cuộc” trách mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, mỗi người, đặc biệt là cán bộ, công chức càng phải cẩn trọng trong mỗi hành vi ứng xử, biết cách điều chỉnh hành động đúng với chuẩn mực chung. Đó là tính chất nêu gương.

Tại Hà Nội, cùng với “Năm kỷ cương hành chính”, siết chặt kỷ luật công vụ, nâng cao hiệu quả phục vụ của cơ quan công quyền, TP cũng đã đưa vào triển khai bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Và thời gian qua đã tạo ra những tín hiệu rất đáng mừng. Kỷ cương trong ứng xử của cán bộ, công chức đã được nâng cao, hình ảnh của những cán bộ tận tâm với công việc đang đẹp hơn trong con mắt người dân. Bởi thế, chỉ một hành xử không hợp lý, một hành vi thiếu chuẩn mực cũng sẽ dễ dàng tạo nên những hiệu ứng trái chiều. Và cùng với các cơ quan có chức năng giám sát khác, người dân cũng thực hiện chức năng giám sát đối với thái độ, nền nếp làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Và mạng xã hội chính là một trong những kênh không thể coi nhẹ, những vụ việc vừa qua chính là bài học cần có sự nhìn nhận sâu sắc, thấu đáo để mỗi cán bộ, công chức tiếp tục hoàn thiện đề cao trách nhiệm, thực sự là công bộc của dân.