Tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm: Dựng cổng chiếm lối đi chung rồi tự treo biển đặt tên

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lối đi chung của nhiều hộ gia đình đã được cắm biển tên rõ ràng nhưng lại tồn tại một cổng sắt trái phép do một hộ gia đình dựng lên. Sai phạm đã rõ ràng nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương vẫn không xử lý.

Chiếc cổng sắt dựng trái phép trên lối đi chung. (Ảnh: Quý Nguyễn)
Câu chuyện tưởng như đùa này lại đang diễn ra tại Tổ dân phố Đình 1, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Những người chịu ảnh hưởng đã có đơn kiến nghị; chính quyền địa phương đã vào cuộc và khẳng định công trình tồn tại trái phép trên ngõ đi chung, thậm chí khẳng định sẽ cho tháo dỡ. Song ngày này qua tháng khác, chiếc cổng trái phép vẫn tồn tại như trêu ngươi, như thách thức trong khi những hộ dân bị ảnh hưởng rơi vào tình trạng dở khóc dở cười.
Tự ý dựng cổng, đặt tên ngõ
Một trong số những hộ chịu ảnh hưởng lớn nhất của chiếc cổng chào này là gia đình anh Lê Thành Trung (SN 1978, trú tại Tổ dân phố Đình 1, phường Đại Mỗ). Anh Trung cho biết, anh có một căn nhà nằm gần nhà ông Nguyễn Quý Giang, hai gia đình cùng một số hộ gia đình khác có ngõ đi chung là con hẻm số 121/39/25 đường Tây Mỗ. Tuy nhiên, vào ngày 16/6/2019, nhân lúc gia đình anh Trung đi vắng dài ngày, ông Giang đã tự ý dựng cổng sắt ngay đầu hẻm.
Sau khi phát hiện ra sự việc, anh Trung đã nhiều lần đề nghị ông Giang phá bỏ cổng sắt này để không ảnh hưởng dến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của gia đình anh cũng như những hộ sống trong 121/39/25 đường Tây Mỗ nhưng ông Giang không chấp nhận.
Khi đối thoại với người hàng xóm không có kết quả, anh Trung đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi lên UBND phường Đại Mỗ đề nghị can thiệp, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Đến ngày 25/6/2019, UBND phường Đại Mỗ đã tổ chức buổi làm việc hòa giải giữa gia đình anh Trung, ông Giang và những hộ dân trong hẻm 121/39/25 đường Tây Mỗ.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ đã đưa ra kết luận: Hẻm 121/39/25 theo hồ sơ do UBND phường quản lý là ngõ đi chung. Tuy nhiên, sau buổi hòa giải này, chiếc cổng sắt dựng trái phép trên ngõ đi chung này vẫn tồn tại sừng sững. Thậm chí, ông Giang còn có hành vi thách thức pháp luật bằng cách treo biển tên ngõ với nội dung “Ngõ nhà ông Hội” ngay trên chiếc cổng sắt này bất chấp việc biển số hẻm 121/39/25 đường Tây Mỗ vẫn còn đó.
“Biển tên “ngõ nhà ông Hội” không có trong danh sách tên đường làng ngõ xóm của phường Đại Mỗ nhưng không hiểu sao nó vẫn tồn tại. Việc tự ý lắp đặt cổng của ông Giang đã gây bức xúc trong dư luận địa phương nhưng đáng nói hơn là đã gây ảnh hưởng đến gia đình chúng tôi” - anh Trung nói và cho biết thêm, chiếc cổng sắt này đang án ngữ ngay vị trí dự kiến làm lối thoát hiểm của ngôi nhà thuộc sở hữu của hộ anh Nguyễn Công Tuấn, nằm ngay liền kề gia đình anh Trung.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ bày tỏ quan điểm rất thẳng thắn và dứt khoát: “Quan điểm của tôi là sẽ cho lập hồ sơ để xử lý dứt điểm vấn đề này. Tôi sẽ yêu cầu anh em ra thông báo”.
Theo ông Hùng, con hẻm 121/39/25 về mặt pháp lý, đây là ngõ đi chung nên việc dựng chiếc cổng sắt trên đó là vi phạm và phải được dỡ bỏ. “Trình bày dài dòng nhưng đã là ngõ đi chung rồi thì là ngõ đi chung. Tất cả những hành vi trên đó (dựng cổng - PV) đều là không đúng. Ông dựng cổng, dựng cột cũ hay mới tôi không quan tâm nhưng ông mà dựng cột dựng cổng không đúng thì tôi sẽ xử lý. Tôi sẽ ra thông báo và xử lý dứt diểm và thông báo lại cụ thể kết quả” - ông Hùng khẳng định.
Cán bộ địa chính “to hơn” lãnh đạo phường?
Mặc dù Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ đã khẳng định quan điểm rất rõ ràng như vậy nhưng khi phóng viên Kinh tế & Đô thị làm việc với bà Đỗ Thị Thi - công chức Địa chính của phường này (theo đề nghị của ông Hùng nhằm “hiểu rõ thêm vấn đề”) thì nhận được quan điểm hoàn toàn trái ngược.
Tấm biển hẻm 121/39/25 có dấu hiệu bị tẩy xóa trong khi tấm biển ''tự phong'' mang tên ''Ngõ nhà ông Hội'' được treo trên cổng sắt
Bất chấp khẳng định của cấp trên với phóng viên, bà Đỗ Thị Thi dõng dạc: “Quan điểm của tôi là cái cổng này chả ảnh hưởng gì. Tôi thấy không nên tháo dỡ...”. Vị công chức địa chính phường này dẫn giải Khoản 3, Điều 22, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013 để bảo vệ quan điểm của mình.
“Theo Nghị định 43, các công trình vi phạm trước ngày 1/7/2014 được tồn tại đến khi giải phóng mặt bằng” - bà Thi nói. Khi phóng viên đặt câu hỏi, có phải con hẻm 121/39/25 đường Tây Mỗ nằm trong quy hoạch một dự án nào đó sắp giải phóng mặt bằng hay không?
Bà Thi nói nước đôi: “Kể cả sắp giải phóng mặt bằng hay không giải phóng mặt bằng thì Nghị định 43 quy định như thế rồi... Việc giải phóng hay không, sắp hay lâu thì tôi không quan tâm nhưng người ta đã có cái này từ năm 2004 - 2005 chứ không phải mới?!”.
Điều khó hiểu ở chỗ, bà Thi cũng xác nhận chiếc cổng sắt được dựng trên ngõ đi chung nhưng lại khăng khăng không cần dỡ bỏ công trình trái phép này bởi “ông Hội không ngăn cản việc đi lại, nghĩa là không phải suốt ngày ông ấy đóng cửa” và bởi “cái này không phải mới phát sinh, nếu mới phát sinh thì chúng tôi sẵn sàng xử lý”. Thậm chí, bà Thi còn “chốt hạ” rằng nếu các gia đình hòa giải không thành công, bà sẽ hướng dẫn họ làm đơn ra tòa để giải quyết.
Đối chiếu quy định tại Khoản 3, Điều 22, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì đây là điều khoản quy định về việc xử lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014.
Cụ thể là quy định về trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Cần phải thấy rõ rằng, con hẻm 121/39/25 là lối đi chung đã được chính quyền địa phương khẳng định. Còn cổng sắt dựng trên lối đi chung này mới là công trình vi phạm trên lối đi chung đã được cơ quan quản lý Nhà nước xác định, thậm chí đã được cắm biển, gắn tên.
Trong quá trình tìm hiểu thông tin về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã nhiều lần làm việc với Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ ông Nguyễn Viết Hùng. Trong tất cả những lần làm việc, ông Hùng đều quả quyết sẽ cho cưỡng chế chiếc cổng sắt dựng trái phép trên ngõ đi chung này. Thậm chí, không dưới hai lần ông Hùng hẹn mốc thời gian cụ thể sẽ tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên, chưa lần nào lời hứa của vị lãnh đạo phường này được thực hiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần