Đừng đẩy rủi ro về phía doanh nghiệp

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô có lẽ là văn bản quy phạm pháp luật có “số phận” trắc trở nhất từ trước đến nay. Dự thảo này đã trình Chính phủ tới 4 lần và chuẩn bị là lần thứ 5, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.

Vấn đề cốt lõi gây nên "ách tắc" ở đây chính là việc cơ quan soạn thảo, cũng như đơn vị tư vấn xây dựng Nghị định đã và đang đi ngược xu hướng phát triển, khi cố chèn thêm rất nhiều điều kiện kinh doanh mới vào. Điều đó khiến cho bản Dự thảo càng xa rời thực tế, tạo ra rất nhiều rào cản và gánh nặng cho các DN kinh doanh vận tải bằng ô tô. Chính vì thế, trong tất cả những lần đưa ra bàn bạc, xin ý kiến đóng góp, bản Dự thảo đều không nhận được sự đồng thuận, thậm chí còn có sự phản ứng quyết liệt của các DN, cũng như giới chuyên gia.

Mới đây nhất, trong cuộc hội thảo Nghị định 86/2014/NĐ- CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô "Sửa Nghị định hay nhìn lại cách thức soạn thảo Nghị định và thực hiện Luật giao thông đường bộ" tổ chức tại Hà Nội, đại diện Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đã đưa ra một con số khiến nhiều người giật mình. Đó là Ban soạn thảo Nghị định mới đã bổ sung thêm tới 85 điều kiện kinh doanh trong khi chỉ có 12 điều kiện kinh doanh cũ được cắt bỏ. Thậm chí, trong số những điều kiện kinh doanh được bổ sung, có tới 21 điều kiện kinh doanh được quy định là “theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT”. Tại hội thảo, đại diện CIEM phải thốt lên rằng, với những quy định được “đẻ” ra “theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT” như vậy thì không biết sẽ còn những quy định “con, cháu, chắt” nào nữa đằng sau những quy định này. Trong khi đó, Bộ GTVT chỉ là cơ quan được giao soạn thảo Nghị định, chứ không phải đơn vị có quyền ban hành.

Bình luận về nội dung bản Dự thảo, Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật Basico) cho rằng, cứ nhìn vào những điều kiện kinh doanh được “đẻ thêm” trong bản Dự thảo, có thể nói thẳng là ngành GTVT không chỉ đang gặp vấn đề với nạn tắc đường kẹt xe mà còn đang bị kẹt cả Nghị định. Trong Tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình là bản Dự thảo đã cắt giảm được nhiều điều kiện kinh doanh so với trước. Tuy nhiên, trên thực tế đó chủ yếu chỉ là sự hoán đổi vị trí. Với con số mà CIEM đưa ra, tỉ lệ điều kiện kinh doanh được cắt bỏ so với điều kiện kinh doanh bổ sung lên tới 1/7. Tức là cứ một điều kiện được cắt bỏ thì ngay sau đó Ban soạn thảo bổ sung thêm tới 7 điều kiện khác.

Nếu chỉ đơn thuần là việc bổ sung thêm nhiều điều kiện kinh doanh, thì bản Dự thảo đã không vấp phải phản ứng mạnh mẽ đến vậy. Đáng nói ở chỗ, những điều kiện kinh doanh được “chèn thêm” vào kia lại mang tính máy móc, ngăn cản sự phản triển của công nghệ. Điều này vô hình trung đi ngược lại mong muốn của Chính phủ về áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật, về cải cách hành chính, cắt bỏ điều kiện kinh doanh. Thậm chí còn đi ngược lại với chủ trương của Bộ GTVT khi mà thời gian qua, đơn vị này liên tục nói tới cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và cắt giảm thủ tục hành chính trong ngành. Điều đó khiến không ít người liên tưởng, dường như Ban soạn thảo đang cố tình đưa ra những "công cụ" để tùy ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh vận tải của DN. Điều này không những tạo ra rào cản cho sự phát triển của DN vận tải mà còn đẩy khó khăn, rủi ro về phía họ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần