Đừng để bài giảng năm sau vẫn “sao y” năm trước

Quốc Toản
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã nhấn mạnh như vậy khi cùng chủ trì với Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng làm việc với Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong chiều nay (20/9).

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Thạch, hiện Trường Đào tạo Cán bộ Lê Hồng Phong gồm 5 khoa, 3 phòng, 1 trung tâm với 130 người, trong đó có 2 tiến sỹ, 31 cử nhân; 4 cử nhân chính trị và 33 cao cấp lý luận chính trị và cao cấp lý luận chính trị - hành chính… Đội ngũ giảng viên, chuyên gia không ngừng được nâng cao về chất lượng, tham gia giảng dạy, đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính; các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước; các lớp cán bộ nguồn. Bên cạnh đó, Trường còn tích cực triển khai các đề tài khoa học đạt kết quả cao, có tính ứng dụng trong thực tiễn.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đào tạo Cán bộ Lê Hồng Phong kiến nghị đề xuất một số vấn đề về định mức chi dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; nâng số lượng học viên trên một lớp hệ không tập trung từ không quá 70 người lên 100 người; xem xét về định biên đối với trường chính trị sao cho phù hợp với thực tiễn Hà Nội; tổ chức thi, kiểm tra nên ra đề thi mở, tránh hình thức trong thực hiện quy chế thi.

Đánh giá cao những kết quả Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đạt được thời gian qua, tuy nhiên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đều cho rằng Trường cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ, đảm bảo tinh thông cả chuyên môn và kỹ năng thực tiễn. “Phải cập nhật tình hình Thủ đô, đất nước và thế giới thường xuyên để tăng tính hấp dẫn cho học viên, tránh tình trạng bài giảng năm sau vẫn như năm trước”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nói. Cùng với đó, Trường cần thực hiện hiệu quả tinh giản biên chế, giảm bớt số khoa, phòng cũng như bộ phận hành chính để tăng nhân lực cho đội ngũ giảng viên. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu Trường chủ động hơn “đặt hàng” với TP các công trình khoa học có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, nhất là các đề tài về khoa học xã hội hiện còn rất thiếu.

Mong muốn Trường Đào tạo Cán bộ Lê Hồng Phong là trường chính trị mẫu mực của cả nước, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của Thành ủy, Trường cũng cần chủ động hơn trong nâng cao chất lượng đội ngũ. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng gợi ý, đối với công tác giảng dạy, Trường có thể linh hoạt bằng cách tăng cường trao đổi, thảo luận để các lớp học tránh nhàm chán, nặng nề; mời lãnh đạo TP, sở ngành nói chuyện chuyên đề. Bên cạnh đó, “nghiên cứu hình thức thi cử cho phù hợp, nhất là việc vận dụng thực tiễn vào đề bài để tăng khả năng tư duy, sáng tạo cho học viên”.

Tại buổi làm việc, Thường trực Thành ủy Hà Nội và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thống nhất sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa để nâng cao chất lượng đào tạo và đội ngũ cán bộ của TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần